Lần này, theo giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Hải, chúng tôi lại về địa phương tiếp xúc với anh, 1 trong 3 thương binh tiêu biểu của huyện năm 2019 được đề nghị tỉnh khen thưởng trong dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7).
Cũng như trước đây, anh Dư luôn được biết tới là một thương binh giàu nghị lực, với sự động viên, trợ giúp của vợ đã vươn lên tạo lập cuộc sống từ 2 bàn tay trắng. Trải qua nhiều năm cần cù lao động, nhờ chịu thương chịu khó, vợ chồng anh đã xây dựng nhà ở khang trang và nuôi được 3 người con học đại học và cao đẳng. Anh tâm sự: Thú thật tất cả cơ ngơi có được hôm nay là xuất phát ban đầu từ chăn nuôi dê, đó là những năm tôi gặp may mắn, việc chăn nuôi và giá cả đầu ra ổn định. Anh Lê Văn Dư, sinh năm 1963 ngay tại làng An Hòa, lớn lên anh lập gia đình sớm nên vào tháng 9-1982 khi lên đường nhập ngũ anh đã có con gái đầu hơn 1 tuổi. Làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn, cuối năm 1983, anh bị thương trong một trận đánh và cũng trong năm đó được xuất ngũ về lại quê hương. Dù thương tật ở chân gây bất tiện trong sinh hoạt nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ngày ấy xum họp với vợ con trong ngôi nhà tranh ọp ẹp không lâu, anh trở lại công việc đồng áng của một nông dân thuần phác. Được địa phương cấp cho 2,2 sào ruộng lúa 3 vụ, anh cần cù canh tác, còn vợ mở quán bán rau cải, thực phẩm, tạp hóa tại thôn.
Anh Dư nhớ lại: Thời gian đầu cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhà ở tạm bợ, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên tôi bàn với vợ cố gắng tằn tiện tích lũy dần vốn để mua dê về nuôi. Nghĩ là làm, gần 12 năm chắt chiu dành dụm, năm 1995, anh Dư mua 15 con dê về nuôi, 3 năm sau đàn dê phát triển anh bán bớt và mua thêm 4 con bò. Thỉnh thoảng vết thương sưng tấy, hành hạ đau đớn nhưng anh vẫn nén chịu, đi theo bầy dê chăn thả ở các vùng đồi phía Tây xã. Đàn gia súc phát triển dần, kinh tế gia đình cải thiện, trong nhà có của ăn của để anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm 4 con cừu và thuê người chăn dắt. Từ lợi nhuận chăn nuôi, anh xây dựng ngôi nhà khang trang có diện tích 105 m2, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt, mua đất lập trang trại nhỏ và nuôi các con ăn học, bấy giờ anh đã sinh thêm 3 con (2 trai, 1 gái). Năm 2003, thời điểm được bầu làm đại biểu của tỉnh đi dự Hội nghị Cựu chiến binh toàn quốc về xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, anh Dư đã có tổng đàn gia súc gồm: 50 con bò, 80 con dê và 100 con cừu. Những năm 2005, 2006 trong cơn khủng hoảng tụt giá dê, cừu, dù gặp không ít lao đao nhưng anh vẫn kiên trì bám trụ, chịu lỗ để duy trì bầy đàn gia súc.
Theo thời gian, do sức khỏe suy giảm dần, anh bán hẳn đàn dê chỉ giữ lại nuôi bò và cừu, đến nay sau nhiều lần bán bớt để trang trải cuộc sống gia đình anh vẫn có trong tay đàn bò 8 con và đàn cừu 40 con; đồng thời trồng thêm 2 sào nho trong trang trại nhưng giao cho con trai quản lý. Điều đáng quý của người thương binh này là chưa bao giờ anh dựa dẫm vào chính sách ưu đãi của Nhà nước mà ý thức rõ bản thân mình phải tự nỗ lực là chính, để từng bước vươn lên. Anh nói: Tôi không giúp gì được về vật chất, vốn liếng cho mọi người vì còn phải đầu tư nuôi 3 con ăn học nên tôi chỉ giúp được mọi người bằng cách tham gia các hoạt động xã hội trong thôn, xóm. Đó cũng là trách nhiệm của người lính khi trở về cuộc sống đời thường. Sau nhiều năm nuôi ăn học, bây giờ các con anh đều đã trưởng thành, có 1 người tốt nghiệp đại học và 2 người tốt nghiệp cao đẳng, tất cả đều có việc làm ổn định.
Theo nhận xét của anh Phan Thanh Tuấn, cán bộ chuyên trách Văn hóa - Xã hội xã Xuân Hải, anh Lê Văn Dư không chỉ là gương thương binh điển hình vượt khó vươn lên mà còn là một cựu chiến binh nhiệt tình, luôn sống chan hòa tình làng, nghĩa xóm với bà con. Anh là tấm gương tiêu biểu thương binh sản xuất giỏi ở địa phương.
Vân Tuyền