Căng thẳng thương mại có thể kéo dài
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang leo thang, giới quan sát nhận định Tokyo dường như sẵn sàng mở rộng quy mô kiểm soát xuất khẩu vượt ra khỏi lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao. Động thái này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhật Bản ngày 4-7-2019 bắt đầu siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Tokyo còn xúc tiến việc loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia hữu hảo, điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp các nguyên liệu chính cần để chế tạo điện thoại thông minh, ti vi, hóa chất và các nguyên liệu công nghiệp khác. Quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tokyo khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh, không phải để trả đũa Seoul trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Giới chức Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc “vì mục đích chính trị”, đồng thời giới chức Hàn Quốc cho biết nước này đang cân nhắc “mọi kế hoạch có thể” để đáp trả. Seoul lo ngại rằng Tokyo có thể thực hiện các bước trả đũa bổ sung vào các ngày 18/7, 21-7 và 24-7-2019. Trong đó, ngày 18/7 là hạn chót mà Hàn Quốc phải đáp lại lời kêu gọi của Nhật Bản về việc thành lập một hội đồng trọng tài gồm ba nước trung lập. Ngày 21-7 là ngày Nhật Bản tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện, trong khi ngày 24-7 là thời điểm Chính phủ Nhật Bản quyết định có đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách 27 quốc gia “đáng tin cậy” được ưu đãi về các thủ tục thương mại hay không.
Phía Nhật Bản khẳng định không có ý định bãi bỏ hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Biện pháp trên chỉ là một phần trong quyền kiểm soát của Tokyo đối với các nguyên liệu mang tính nhạy cảm hoặc bị cấm. Về phần mình, Hàn Quốc ngày 12-7-2019 đã đề xuất Liên hợp quốc hoặc một tổ chức quốc tế khác tiến hành điều tra chính thức về cáo buộc của Nhật Bản rằng Seoul đã lơ là quản lý các nguyên vật liệu chiến lược. Seoul đồng thời lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra do hạn chế này của Nhật Bản gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Xem ra căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á này chưa có hướng giải quyết và có thể còn kéo dài.
Hai bên cùng thiệt hại
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo về một viễn cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế trụ cột của châu Á. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù Tokyo tỏ ra khá gay gắt song nhìn vào thái độ, sự tương tác với Chính phủ Hàn Quốc cũng như xu hướng chính sách của Chính phủ Nhật Bản có thể thấy việc “xứ hoa anh đào” hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc không hoàn toàn vì muốn tăng thêm mâu thuẫn kinh tế giữa hai bên, mà có thể là vì muốn tháo gỡ những khó khăn trong quan hệ chính trị giữa hai nước.
Chưa tính đến những tác động đối với phía Hàn Quốc, rõ ràng sự thay đổi chính sách thương mại này của Nhật Bản cũng khiến Tokyo phải chịu áp lực về kinh tế. Tình hình kinh tế Nhật Bản năm 2019 không mấy lạc quan. Mặc dù GDP thực tế trong quý I/2019 tăng 2,1% so với quý trước đó, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 0,2%, nhưng động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý I bắt nguồn từ việc nhập khẩu giảm so với xuất khẩu (xuất khẩu giảm 2,4%, nhập khẩu giảm 4,6%), có nghĩa là “lần đầu tiên trong một năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu ròng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Trong tình hình này, việc Nhật Bản chủ động hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản (sau Trung Quốc và Mỹ), có thể sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp của Nhật Bản. Một số doanh nghiệp cho biết nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, điều đó có thể tác động tiêu cực tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Tệ hơn, sau khi Nhật Bản gây khó cho Hàn Quốc, Hàn Quốc đã ngay lập tức chi 6.000 tỷ won để nghiên cứu vật liệu bán dẫn. Một khi Hàn Quốc nghiên cứu thành công, các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không còn là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Về phía Hàn Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp trụ cột trong xuất khẩu của nước này. Trong quý đầu tiên của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đạt 23,2 tỷ USD. Con số này mặc dù giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, đứng vị trí đầu bảng và gấp gần hai lần so với vị trí thứ hai là ngành máy móc cơ khí (9,7%). Theo Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu chip bán dẫn (SEMI), sản lượng nguyên liệu bán dẫn của Hàn Quốc không nhiều và Nhật Bản cung cấp tới 43,9% lượng fluorinated polyimide và 93,7% lượng hydro clorua có độ tinh khiết cao cho các công Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2019.
Bên cạnh đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này phụ thuộc chủ yếu vào các tập đoàn lớn. Biện pháp của Nhật Bản được cho là sẽ ảnh hưởng đến các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display bởi Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Vì vậy, nếu Nhật Bản thực sự siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu ba nguyên liệu trên, điều đó sẽ tác động mạnh tới những tập đoàn đang đóng góp rất lớn vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nói tóm lại, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và biện pháp duy nhất để giải quyết mối căng thẳng này không gì hiệu quả hơn là con đường ngoại giao.
Theo TTXVN