Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố được tổ chức ngày 4/7.
Tại cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương đánh giá những thuận lợi, khó khăn về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cũng như các bất cập và đề ra các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2019.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 33,85%.
Đó là tâm lý chủ quan khi kế hoạch vốn đầu tư công được phép thực hiện và giải ngân trong hai năm, dẫn tới việc các bộ, ngành, địa phương không quyết liệt ngay từ đầu năm.
Nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã, làm ảnh hưởng tiến độ giao và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công ở cấp cơ sở đối với các dự án thuộc hai Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó là các nguyên nhân, tồn tại trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để như: năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư, xây dựng; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến giải ngân của các dự án. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương…
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vẫn còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp. Các vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn…
Nhằm tạo chuyển biến thực chất trong chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thể chế, xử lý vướng mắc do chính sách của ngành, lĩnh vực.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công không để dồn vào cuối năm, tránh tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian nhằm né tránh trách nhiệm.
Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh, chia sẻ, thành phố đang gặp vướng mắc về pháp luật trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất.
Cụ thể, khi triển khai quy trình đầu tư cụ thể các dự án thuộc các lĩnh vực phát triển khu đô thị mới, nhà ở thương mại, dịch vụ du lịch thu hút được từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 8/2018 đã gặp khó khăn về sử dụng đất do có những quy định, mâu thuẫn ở các Luật Đất đai, Nhà ở, Đầu tư, Đấu thầu…
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư để thành phố sớm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư.
Quan tâm đến vấn đề phân cấp cho địa phương, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép thành phố được chủ động giải quyết công việc, đẩy nhanh những tồn đọng.
Đó là Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng hay Chính phủ giao cho các thành phố lớn lớn được chủ động chuyển đổi trên 10ha đất lúa sang thực hiện dự án phát triển công nghiệp.
Về kiến nghị với cơ quan bộ, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho biết, việc xây dựng nhà ga T2 tại sân bay quốc tế Cát Bi, đã được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) và công ty này đang triển khai thủ tục.
Tuy nhiên, qua theo dõi, thủ tục trình, lập, phê duyệt dự án rất chậm, trong khi hiện tại sân bay này đã quá tải. Vì vậy tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo công ty ACV sớm phê duyệt dự án này, qua đó thành phố mới triển khai được giải phóng mặt bằng.
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện hệ thống sân bay chưa có quy hoạch hoàn chỉnh. Bộ đang lập Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050 theo Quyết định số 236/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên bộ đang gặp khó về kinh phí.
"Do đó, Bộ đề nghị các địa phương linh động sử dụng ngân sách tạm ứng cho ngành giao thông triển khai các dự án liên quan đến vấn đề này sau đó Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị để trả lại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những rủi ro sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đó là rủi ro từ bên ngoài như kinh tế thế giới suy giảm về tăng trưởng, sản xuất, niềm tin đầu tư.
“Những rủi ro này có tác động đối với thương mại ảnh hưởng tiêu cực đối với xuất khẩu trong ngắn hạn của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần chủ động theo sát tình hình để ứng phó kịp thời, đúng và trúng”, Thủ tướng nói.
Các động lực tăng trưởng chính như nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu tăng chậm lại, áp lực lạm phát hiện hữu do điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu biến động khó lường, giá thịt lợn có thể tăng do dịch bệnh, điều chỉnh viện phí, học phí theo lộ trình. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điển nghẽn. Ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, cũng là bất lợi cho Việt Nam.
Với hàng loạt rủi ro trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp. Đó là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh ở mọi địa phương, mọi ngành; trong đó, rà soát lại kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, gây cản trở phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nhằm để Việt Nam tiệm cận với nhóm ASEAN 4, tiến tới nhóm OECD.
Để đối phó với rủi ro bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá đầy đủ tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ đó đưa ra kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã ký, tập trung phát triển thị trường trong nước, kiểm tra đánh giá tình hình đội lốt hàng hóa Việt Nam để có các giải pháp kiểm soát, tránh gây bất lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan chức năng cũng cần theo dõi đánh giá tác động thị trường, tài chính quốc tế và có giải pháp kịp thời về lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối để tránh các cú sốc bên ngoài.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ điều hành tín dụng cho nền kinh tế một cách linh hoạt, có những điều chỉnh kịp thời, đáp ứng đầy đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được ổn định vĩ mô. Đi kèm với đó là đảm bảo chất lượng tín dụng, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở những phân khúc có khả năng rủi ro.
Theo TTXVN