CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM - CAI NGHIỆN MA TÚY

Những khó khăn trong công tác điều trị cai nghiện ma túy

Theo báo cáo của Cơ sở Cai nghiện ma túy (MT) tỉnh, hàng năm Cơ sở tiếp nhận quản lý, điều trị - cai nghiện cho từ 180-200 lượt người nghiện, chủ yếu là cai nghiện tự nguyện (chiếm trên 97%).

Cơ sở tổ chức thực hiện công tác điều trị - cai nghiện MT cho học viên theo quy trình quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT, các quy định khác của pháp luật. Trọng tâm là thực hiện đồng bộ 4 liệu pháp trị liệu: Liệu pháp y tế trị liệu, tâm lý trị liệu, hành vi trị liệu và ám thị trị liệu. Từ năm 2017 đến tháng 3-2019, Cơ sở đã tổ chức tiếp nhận, quản lý điều trị - cai nghiện cho 371 lượt học viên, trong đó học viên là người trong tỉnh 139 học viên/10 nữ. Đã tái hòa nhập cộng đồng 237 lượt học viên, trong đó học viên là người trong tỉnh 94 học viên/9 nữ, thuộc địa bàn các huyện, thành phố. Hiện đang quản lý, điều trị - cai nghiện cho 90 học viên, trong đó học viên là người trong tỉnh 42 học viên/1 nữ.

Trong quá trình tiếp nhận, điều trị - cai nghiện, khó khăn, vướng mắc cơ bản gặp phải trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng hạn chế đến hiệu quả cai nghiện cho học viên, dẫn đến tỷ lệ tái nghiện còn cao. Đó là, học viên thuộc đối tượng đặc thù rất khó quản lý, khó điều trị, do tỷ lệ học viên nghiện các chất MT tổng hợp mới dạng Amphetamine (ATS), ngày càng tăng cao (trên 95%). Trong đó, đặc biệt là chất Methamphetamine (thường gọi là MT đá), cần sa tổng hợp (gọi là cỏ Mỹ) là loại MT cực độc, làm tổn thương não bộ nghiêm trọng, mất khả năng định hướng về nhận thức và kiểm soát về hành vi, tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm cho chính bản thân người nghiện và những người xung quanh, cho xã hội. Nhưng hiện nay chưa có phác đồ điều trị chuẩn bằng thuốc (kể cả các nước khác trên thế giới cũng chưa có). Chỉ có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng MT tổng hợp dạng Amphetamine của Bộ Y tế tại Quyết định số 3556/2014/QĐ-BYT và Quyết định số 786/2019/QĐ-BYT hướng dẫn can thiệp lạm dụng MT tổng hợp dạng Amphetamine (chưa phải là phác đồ điều trị chuẩn). Độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa, tuổi dưới 18 trên 5%; tuổi từ 18-30 chiếm tỷ lệ cao 62,6% (riêng học viên trong tỉnh 83%). Đây là độ tuổi đang trong thời kỳ phát triển và hoàn thiện nhân cách, rất nhạy cảm về tâm lý nhưng rất kém về khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi khi đã bị mắc nghiện, do vậy ý thức giác hợp tác với Cơ sở rất kém, thường dễ bị kích động, manh động, chống đối và hành động theo tâm lý đám đông.

Sự hiểu biết về MT và các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện MT đối với đa số thân nhân gia đình người nghiện chưa đầy đủ, do đó thiếu cương quyết trong việc cai nghiện cho người thân của mình, hạn chế đến hiệu quả phối hợp giữa gia đình và Cơ sở trong quá trình điều trị cai nghiện cho học viên. Điều kiện kinh tế của một số gia đình của người nghịên cai nghiện có nhiều khó khăn, nên khó có thể đóng góp đủ các khoản chi phí để thực hiện đủ thời gian cai nghiện theo quy trình, nên xin về trước thời hạn, dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao. Hệ thống các văn bản quy định liên quan đến công tác phòng, chống và cai nghiện MT tuy đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ, song vẫn còn một số vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, khó khăn trong áp dụng thực hiện, ảnh hưởng hạn chế đến hiệu quả điều trị - cai nghiện cho người nghiện. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng hạn chế đến hiệu quả của công tác cai nghiện và tỷ lệ tái nghiện rất cao, cả nước trên 70%, Ninh Thuận trên 50%.

Để giải quyết các vấn đề trên, theo lãnh đạo Cơ sở Cai nghiện MT tỉnh cho biết, về phía đơn vị tiếp tục đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục cảm hóa bằng việc áp dụng liệu pháp tâm lý xã hội trị liệu gắn liền với liệu pháp hành vi trị liệu; nâng cao chất lượng giáo dục tư vấn, giáo dục các chuyên đề về pháp luật, đạo đức, các giá trị về cuộc sống… nhằm điều chỉnh hành vi, nhân cách, tạo niềm tin và tính tự nguyện, tự giác thật sự cho học viên để họ yên tâm điều trị - cai nghiện, cứu lấy cuộc đời của họ. Tăng cường công tác tham vấn, tư vấn cho thân nhân gia đình người nghiện hiểu một cách đầy đủ về MT và các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện MT, để họ cùng cộng đồng trách nhiệm phối hợp với đơn vị trong quá trình điều trị cai nghiện cho người thân của họ đạt hiệu quả cao. Đồng thời tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho học viên và thân nhân gia đình học viên về các biện pháp phòng, chống tái nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ cho học viên theo các chế độ quy định và theo khả năng của Cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên thực hiện hoàn thành tốt chương trình cai nghiện theo quy trình, quy định; bảo đảm ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, lãnh đạo Cơ sở Cai nghiện MT tỉnh cũng kiến nghị các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác phòng, chống và cai nghiện MT bằng các biện pháp và hình thức mới, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trong các trường THPT, THCS; các cấp có thẩm quyền quyết định các mức đóng góp chi phí cai nghiện tự nguyện phù hợp, sát thực tế bảo đảm đủ chi phí; mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho người nghiện để họ có đủ điều kiện cai nghiện thành công; các xã, phường tăng cường công tác quản lý người nghiện đã hoàn thành cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, nhằm phối hợp với Cơ sở trong việc trao đổi thông tin phục vụ nhiệm vụ chung và hỗ trợ giúp người nghiện sớm ổn định cuộc sống.

* Theo báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, 6 tháng đầu năm, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đã khởi tố 184 vụ/252 bị can. Trong đó, tội phạm về ma túy khởi tố 28 vụ/29 bị can, so với cùng kỳ tăng 3 vụ, giảm 3 bị can.

* Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh có 511 trường hợp nhiễm HIV (nam 357, nữ 154 trường hợp), chuyển sang AIDS 378 trường hợp, tử vong do HIV/AIDS 202 trường hợp. Số người nhiễm HIV hiện còn sống là 309 trường hợp (trong đó 176 trường hợp chuyển sang AIDS). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS cộng đồng là 0,05%.