“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”
Mở đầu đoạn Di chúc nói về đoàn viên thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” (1). Có thể thấy, đây là một nhận định hết sức đúng đắn. Nhìn lại lịch sử, trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, các thế hệ đoàn viên thanh niên Việt Nam đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào những chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Nhiều phong trào thanh niên đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba xung kích”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện” ...
Thanh niên xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) xung kích, tình nguyện, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: V.Miên
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm nhận thức đúng vị trí vai trò của đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925, Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (2). Người chỉ ra rằng: Thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”, “thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ…” (3).
Không những chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra tiềm năng to lớn của tuổi trẻ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà. Đó là, “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”. “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (4) và “Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (5).
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ thanh niên tham gia cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến…
Hướng vào tuổi trẻ, đưa họ đến với cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ để họ phát huy vai trò của mình, góp sức vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng; đó là thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (6-1925) mà nòng cốt là Cộng sản đoàn; ra báo Thanh niên; mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và của phong trào cách mạng cả nước. Người cũng gửi thư cho Ủy ban Trung ương thiếu nhi Liên Xô và đại diện đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản (7-1926) đề nghị giúp đỡ, để gửi một số thiếu niên Việt Nam do Người nuôi ở Quảng Châu sang Liên Xô học tập, “để trở thành những chiến sĩ Lêninnít tí hon chân chính”, làm hạt nhân cho Đoàn Thanh niên cộng sản sau này. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vấn đề thanh niên, bồi dưỡng lực lượng thanh niên đã được đặc biệt quan tâm khi thông qua Án nghị quyết của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) về việc tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản theo đề nghị của Hồ Chí Minh...
Đến khi sắp đi xa, Người cũng không quên dặn dò về việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Người khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (6).
Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng chiến lược về “trồng người”, về đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Trong đó Người đặc biệt chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác đoàn. Người chỉ rõ “Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.(7)
Về vấn đề giáo dục, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục thanh niên trước hết là giáo dục đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”; luôn “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” (8). Vì vậy, đạo đức cách mạng chính là điều chủ chốt nhất, là cái gốc, là nền tảng để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Có đạo đức cách mạng thì ở “bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân” (9). Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực cho các thế hệ thanh niên học tập và noi theo về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân; suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Phát huy tinh thần thanh niên xung kích, xứng đáng với lời dặn của Người
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, Đảng ta luôn xác định thanh niên là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước, là đội quân xung kích cách mạng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất phát từ quan điểm đó, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với thanh niên thông qua việc tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa; tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng. Đồng thời, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam.
Qua đó, đã hình thành một thế hệ thanh niên Việt Nam có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy và hành động đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, tiếp nối được truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc. Đại đa số thanh niên đều nỗ lực học tập, lao động để trau dồi, nâng cao tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các chương trình hành động: “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi trường”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”, “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”…
Trong 10 năm (2008-2018), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã giới thiệu cho Đảng 2.184.913 đoàn viên ưu tú; trong đó, có trên 55% đoàn viên được kết nạp Đảng. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đoàn đã có trên 11.000 cán bộ đoàn trúng cử vào cấp ủy đảng các cấp; 9.888 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng đã và đang xuất hiện những nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật có đức, có tài trong độ tuổi còn rất trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Thực tiễn đòi hỏi Đảng và cả hệ thống chính trị phải nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, tăng cường chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên.
Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã khẳng định: nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng, phát huy vai trò của thế hệ trẻ là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh niên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực; khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại.
Thanh niên Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử, đó là phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ và có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cường tráng để dần dần xóa bỏ khoảng cách với thanh niên các nước trên thế giới. Để đạt được những tiêu chí trên, bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bản thân thanh niên phải tự học, tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự tin, tự chịu trách nhiệm để trở thành nguồn lao động chất lượng cao, trở thành người thừa kế trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thanh niên cần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khả năng thực tế, kỹ năng lao động để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế. Bên cạnh đó, phải tích cực tham gia vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp; tích cực tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…
Có thể thấy, cho đến nay, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trong bản Di chúc mà Người để lại vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự và có giá trị to lớn, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác thanh niên. Những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Bác dành cho đoàn viên, thanh niên luôn là nguồn động lực, cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước vươn lên và cống hiến, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu, đẹp.
Theo TTXVN
--------------------
(1), (6): Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 - Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr.510).
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr.133.
(3) Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - Sđd, tập 10, tr.488, 489.
(4) Thư gửi các bạn thanh niên - Sđd, tập 5, tr.185.
(5) Thư gửi các học sinh - Sđd, tập 4, tr.33.
(8) Đạo đức cách mạng - Sđd, tập 9, tr.285.
(9) Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam - Sđd, tập 10, tr.306.