Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Phước

Ninh Phước có dân số gần 161.000 người, trong đó chiếm 32,82% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bao gồm dân tộc Chăm (30,82%), dân tộc Raglai (1,64%), dân tộc Hoa (0,29%) và dân tộc khác (0,07%). Đồng bào DTTS huyện Ninh Phước sống tập trung chủ yếu tại 22 thôn, khu phố thuộc 8 xã, thị trấn. Vùng đồng bào DTTS Ninh Phước được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và phát triển năng lượng tái tạo.

Trước ngày diễn ra Đại hội các DTTS huyện lần thứ III (giai đoạn 2019-2024) không lâu, chúng tôi đã đến một số xã, thôn vùng DTTS ở Ninh Phước và ghi nhận được sự chuyển biến lớn trong các lĩnh vực đời sống của người dân. Thông qua các chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình phát triển kinh tế - xã hội đã được huyện Ninh Phước đầu tư hoàn chỉnh.

Phụ nữ dân tộc Chăm thôn Tuấn Tú (An Hải) chăm sóc măng tây xanh trồng tại địa phương

Tính đến nay, vùng đồng bào DTTS trong huyện đã kiên cố hóa 100% tuyến giao thông trục xã, 77% đường trục thôn, đường ngõ xóm, 82% đường nội đồng; về thủy lợi cũng đã kiên cố hóa 100% kênh cấp I, 80% kênh cấp II và 85% kênh cấp III, đảm bảo việc đi lại và tưới tiêu. Việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới điện, nước sinh hoạt đến các thôn, khu phố cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tất cả các xã, thị trấn và 100% thôn, khu phố vùng đồng bào DTTS đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa - Thể thao cấp thôn. Cơ sở trường, lớp, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa và các đền, tháp, chùa, chợ nông thôn,... đều được xây mới và nâng cấp, sửa chữa thường xuyên.

Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua 5 năm (2014-2019) thực hiện công tác dân tộc và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, Ninh Phước đã cơ bản đạt được mục tiêu và đạt hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II năm 2014 đã đề ra. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 61 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,3% tổng số đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ 11,38% (năm 2016) giảm xuống còn 6,24% (năm 2018); hộ cận nghèo từ 21,33% giảm xuống còn 16,26% (năm 2018); bình quân hằng năm hộ nghèo giảm 1,71%, hộ cận nghèo giảm 1,69%. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS năm 2018 đạt 39,5 triệu đồng, vượt 44% kế hoạch, gấp 2,5 lần so với năm 2014. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không còn hộ đói, nhà tạm; trên 98,66% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong vùng đồng bào DTTS được triển khai và thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến về nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân. Hiện có 100% thôn, khu phố đồng bào DTTS được công nhận thôn, khu phố văn hóa, tại đây các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc được hình thành và phát triển. Đặc biệt năm 2017, nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Phong trào khuyến học phát triển mạnh, có 51 dòng họ khuyến học trong đồng bào dân tộc Chăm đã hỗ trợ con em học tập đến nơi, đến chốn. Từ năm 2015-2018, bình quân hằng năm Ninh Phước tạo việc làm mới cho 907 lao động là đồng bào DTTS (90,7% kế hoạch), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53,2%.

Phụ nữ dân tộc Chăm (Ninh Phước) cần cù lao động, sáng tạo các sản phẩm
gốm Bàu Trúc đạt chất lượng cao được du khách tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Những chuyển biến tiến bộ trên đã khẳng định sự đúng đắn về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, sự tích cực phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể cùng sự nỗ lực vươn lên, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào các DTTS trong huyện. Tuy nhiên, theo UBND huyện Ninh Phước, dù kinh tế tăng trưởng nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao so với tỷ lệ chung toàn huyện.

Với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, Ninh Phước đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024. Mục tiêu cụ thể là đưa thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 2,1 lần so với hiện nay; hằng năm giảm 1,5-2 % hộ nghèo DTTS. Để thực hiện mục tiêu trên, Ninh Phước huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu cho các xã đồng bào DTTS sinh sống, tập trung vào các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, chợ. Đồng thời, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các dự án có tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS.