Để chuẩn bị cho công tác đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu năm 2020, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam cho biết: Công đoàn đã tiến hành lấy ý kiến của cả doanh nghiệp và người lao động về tình hình thu nhập, tiền lương và đời sống, để nắm bắt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hiện nay. Đồng thời, Tổng LĐLĐ sẽ tham khảo ý kiến của rất nhiều bên cũng như nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia kinh tế - xã hội, có xem xét đến quá trình tăng trưởng kinh tế để làm căn cứ đề xuất mức tăng cho phù hợp, hài hòa quyền lợi của các bên", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Lao động ngành dệt may chịu tác động nhiều từ tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: XM
Cụ thể hơn, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, TLĐLĐ Việt Nam cho rằng, mức tăng lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Do đó, trong khi chỉ còn một năm để lương tối thiểu tiến tới đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu thì mức tăng năm 2020 sẽ phải cao, dự kiến ít nhất 7%. Qua theo dõi báo cáo của các doanh nghiệp hằng năm, hầu hết doanh nghiệp đều tuân thủ quy định về lương tối thiểu cho người lao động. Những doanh nghiệp không có điều chỉnh do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn chỉ chiếm số ít, chủ yếu rơi vào một số doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Trong đó, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động đã ngày càng được cải thiện, số công nhân được hưởng lợi từ tăng tiền lương tối thiểu là rất lớn. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn, điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu.
Dẫn kết quả khảo sát của tổ chức công đoàn trong năm 2018, ông Quảng cho biết, tiền lương cơ bản trung bình (nếu làm đủ giờ) hiện nay của người lao động mới đạt khoảng 4,67 triệu đồng. Trong đó, mức độ hài lòng của người lao động về thu nhập và việc làm của mình chưa đạt đến 40%.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường. Trong đó, nhu cầu sống tối thiểu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định mức lương tối thiểu, hiện nay đang dựa theo các các tiêu chí như: Nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.
Dự báo về kỳ họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm nay, ông Lê Đình Quảng cho rằng: Các bên sẽ có những tranh luận căng thẳng bởi các bên thương lượng tiền lương tối thiểu thì mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau.
"Năm ngoái, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra một nhu cầu sống tối thiểu khác với TLĐLĐ Việt Nam, số liệu của hai bên chênh nhau đến khoảng 300.000 đồng. Thực tế, hầu hết những thông số và cách tính của các bên là giống nhau, nhưng bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định nhu cầu lương thực là 48% và nhu cầu phi lương thực là 52%. Trong khi đó, chúng tôi đề nghị nhu cầu lương thực chỉ chiếm 45%, còn phi lương thực là 55%, với lập luận là kinh tế càng phát triển thì nhu cầu lương thực càng phải giảm và phi lương thực cần tăng lên", ông Lê Đình Quảng chia sẻ.
Trong khi đó, nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ, đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, do đó việc thương lượng năm nay theo nhận định của ông Lê Đình Quảng là sẽ căng thẳng hơn. Do đó, nếu các bên vẫn áp dụng cách tính toán nhu cầu sống tối thiểu khác nhau như năm ngoái thì chắc chắn năm 2020 lương tối thiểu sẽ phải tăng ở mức rất cao.
"Nếu theo cách tính toán mức sống tối thiểu cũ thì năm nay ít nhất phải (tăng) 7% mới đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động", ông Lê Đình Quảng nhận định.
Mặc dù vậy, ông Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng hơn cả của việc thương lượng tiền lương năm nay chưa hẳn là ở mức tăng bao nhiêu mà chính là ở cách xác định mức sống tối thiểu của người lao động. Bởi, khi đã thống nhất được một cách tính chung thì mức tăng sẽ tiệm cận và hài hòa được lợi ích cho cả người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của TLĐLĐ Việt Nam, tiền lương tối thiểu đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13-15%) trước khi giảm xuống còn 7% (năm 2017), 6,5% (năm 2018) và 5,3% (năm 2019). TLĐLĐ Việt Nam cho biết, lương tối thiểu vùng năm 2019 chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức