Ngày Đại dương thế giới
Tại Hội nghị Thượng đỉnh trái đất tại Rio de Janeiro năm 1992, Chính phủ Canada đã đề xuất thàng lập một Ngày Đại dương trên quy mô toàn cầu và được nhiều quốc gia đồng tình ủng hộ. Trên cơ sở đó, năm 2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 8-6 hằng năm là Ngày Đại dương thế giới.
Quyết định của Liên hợp quốc đã tạo cơ hội cho các quốc gia cũng như các tổ chức tham gia vào hoạt động nâng cao nhận thức toàn cầu về những lợi ích thu được từ các đại dương, cũng như những thách thức hiện nay của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ, kết nối với các đại dương. Ngày Đại dương cũng là cơ hội để mỗi cá nhân tăng thêm hiểu biết về cơ hội, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của chính mình trong việc khai thác, bảo tồn đại dương, như một nguồn lợi chính yếu, nhưng cũng là một tài sản vô giá đang bị tổn hại nghiêm trọng. Từ sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân tiến đến vận động đoàn kết toàn cầu, nhằm thực hiện các dự án quản lý bền vững đại dương trên thế giới.
Kể từ khi được đề xuất và thừa nhận đến nay, Ngày Đại dương thế giới đã có những bước phát triển quy mô, mạnh mẽ. Mỗi năm, Liên hợp quốc đều đưa ra những chủ đề chính, như “Đại dương lành mạnh, hành tinh lành mạnh” là chủ đề trong năm 2015, 2016, “Làm sạch đại dương của chúng ta” năm 2018 và chủ đề của Ngày Đại dương năm 2019 là “Giới tính và đại dương” – một đề tài khá mới mẻ đối với phần lớn cộng đồng.
Tầm quan trọng của bình đẳng giới, đặc biệt đối với việc bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển đang ngày càng được công nhận. Tuy nhiên, hiện có rất ít dữ liệu cũng như nghiên cứu về các vấn đề này. Với chủ đề “Giới tính và đại dương”, Ngày Đại dương năm 2019 hướng tới nỗ lực xây dựng sự hiểu biết cũng như kết nối giữa đại dương và giới tính; khám phá những biện pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương, như nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển… cũng như liên hệ đến những vấn nạn nhức nhối hiện nay như di cư bất hợp pháp bằng đường biển, hoạt động buôn bán người qua đường biển đang gây ra nhiều hệ lụy và chính sách quản lý của các chính phủ…
Hành động của chúng ta
Theo dự báo, dân số toàn cầu sẽ đạt 9.7 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc ngành sản xuất lương thực phải tăng 60% năng suất so với hiện nay mới đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn thế giới. Tuy nhiên, biến đối khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến nền sản xuất lương thực toàn cầu, trong đó có cả nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiện thế giới có khoảng 540 triệu người sống phụ thuộc hoàn toàn vào ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Riêng cá là nguồn cung cấp đạm thường xuyên cho khoảng 3,1 tỷ người trên toàn cầu với nhu cầu ngày càng tăng. Rất nhiều người sống ở các nước nghèo nhất và kém phát triển nhất, nguồn cung protein hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thực phẩm từ đại dương. Thế nhưng từ nhiều năm qua, Đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đe dọa đến khai thác thủy sản bền vững.
Đầu tiên là việc khai thác quá mức của con người, gây tổn hại đến hệ sinh thái đại dương, đồng thời làm giảm tiềm năng dài hạn của nguồn thủy sản giúp cung cấp thực phẩm và việc làm trong tương lai. Hoạt động đánh bắt có hại hoặc bất hợp pháp cũng gây ra tác động tiêu cực tới các loài chim, động vật biển có vú và các loại cá không có lợi ích kinh tế, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, đồng thời làm xói mòn hệ thống quản lý của nhà nước và pháp luật tại địa phương.
Bên cạnh đó, ô nhiễm từ đất liền, biển và không khí cũng hàng ngày làm suy yếu sức khỏe của đại dương. Các nhà khoa học ước tính khoảng 80% ô nhiễm đại dương xuất phát từ đất liền, bao gồm ô nhiễm từ các dòng chảy, chất thải trong nông nghiệp, nước thải và chất thải rắn. Chúng gây ra sự thay đổi lớn trong thành phần hóa học của nước biển, làm axit hóa đại dương, từ đó tác động nghiêm trọng trên diện rộng tới hệ sinh thái biển, đặt lưới thức ăn của đại dương vào vòng nguy hiểm và tác động vào chính nguồn cung thực phẩm cho loài người.
Cùng với Ngày Đại dương, những năm qua đã có nhiều nỗ lực của cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường hợp tác quốc tế để khôi phục môi trường biển, đảo ngược các hậu quả nghiêm trọng do ô nhiễm đại dương gây ra, tiếp tục khai thác, sử dụng đại dương một cách hợp lý, bền vững. Đó là thiết lập các quy tắc về thủy sản trên cơ sở khoa học vững chắc; giám sát hoạt động đánh bắt cá và thực thi hình phạt có ý nghĩa đối với hành vi vi phạm; ngăn chặn các chất ô nhiễm xâm nhập vào môi trường biển tại nơi khởi nguồn của nó; khoanh vùng thành lập các khu bảo tồn biển để bảo vệ, phục hồi các loài đang cạn kiệt...
Thời gian gần đây, những con đường di cư, buôn người bất hợp pháp trên các đại dương đang đặt ra thách thức mới, buộc các quốc gia phải nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống trong quản lý đại dương. Không còn cách nào khác, nhiệm vụ này phải được thực hiện với sự hợp tác liên chính phủ, cùng sự tham gia của nhiều ngành nghề, nhiều tổ chức về khoa học, môi trường, kinh tế… Bảo vệ đại dương, trả lại cho nó một hệ sinh thái cân bằng, khỏe mạnh và giàu có đã trở thành vấn đề an ninh quốc tế sống còn, đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên của toàn thế giới với một chiến dịch lâu dài trên toàn cầu.
Giống như một trái tim nắm giữ sự sống của cơ thể, đại dương chính là trái tim của trái đất chúng ta, là điểm kết nối tất cả sinh vật trên trái đất. Bằng những hành động cụ thể, bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương là bạn đang bảo vệ nguồn sống của chính mình.
Theo TTXVN