Theo đó, người dân khi phát hiện có lợn bệnh, chết phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Thú y để xử lý kịp thời qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 số: 0259.3504660. Đồng thời đề nghị các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm một số biện pháp để phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có hiệu quả như: Thực hiện thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi với tần suất 3 lần/tuần, không cho người lạ vào chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi, không mua lợn không rõ nguồn gốc về nuôi, thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.
Các cơ sở chăn nuôi cần tiêu độc khử trùng chuồng trại với tần suất 3 lần/tuần. Ảnh: A.Tuấn
Thực hiện “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa (từ quán ăn, nhà hàng, khách sạn …) cho lợn ăn mà chưa qua đun sôi ít nhất 30 phút. Đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ, trang trại chăn nuôi ở khu vực lân cận cùng thực hiện. Tăng cường chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hỗ trợ thuốc trợ sức cho lợn nuôi bằng các loại Vitamin ADE, Vitamin C, Vitamim nhóm B nhằm tăng sức đề kháng cho lợn.
Theo ông Trương Khắc Trí, hiện nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.464 xã/335 huyện của 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn mắc bệnh, nhiễm bệnh buộc tiêu hủy trên 2,1 triệu con. Tại tỉnh ta hiện chưa ghi nhận trường hợp lợn nhiễm Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, trước tình hình Dịch tả lợn châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nguy cơ lây nhiễm vào tỉnh ta là rất cao.
Anh Tuấn