Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội các cấp nên công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc TE được tăng cường; việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì TE ngày càng có hiệu quả; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho TE được cải thiện đáng kể; công tác bảo vệ, xây dựng môi truờng sống an toàn và lành mạnh cho TE được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho TE ngày càng được bảo đảm.
Trường mẫu giáo Monterssori ở khu phố 3, phường Tấn Tài (Tp. Phan Ran-Tháp Chàm)
nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc TE trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Tình trạng xâm hại TE, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra tại một số địa phương; số TE tử vong do tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước hàng năm vẫn còn cao; công tác bảo vệ, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho TE ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác bảo vệ TE chưa phát huy hiệu quả; còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại TE chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; nguồn lực xã hội dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc TE chưa đáp ứng được yêu cầu; Ban Chỉ đạo bảo vệ TE một số địa phương tuy được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc TE chưa được quan tâm thường xuyên…
Để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng chỉ đạo việc tăng cường sự 1ãnh đạo của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc TE thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương đang quản lý. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc TE. Quan tâm đến việc tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho TE. Kip thời tiếp nhận thông tin, xử lý triệt để các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đến TE; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục quán triệt và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về các quy định của luật, nghị định, thông tư và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến quy định về bảo vệ TE và quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp xâm hại.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, vui chơi, thể dục thể thao và các hoạt động chăm sóc TE nhân tháng hành động vì TE năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Phối hợp chặt chẽ thực hiện việc bàn giao, quản lý TE trong dịp hè để bảo đảm mùa hè an toàn cho TE, giảm thiểu TE bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và hạn chế tình trạng TE bị bạo lực, xâm hại. Tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu để mọi TE được vui đón ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu an toàn, lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Kêu gọi gia đình và xã hội quan tâm chăm lo cho các em, ưu tiên TE có hoàn cảnh đặc biệt, TE thuộc hộ nghèo, TE ở vùng miền núi và các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Tổ chức biểu dương, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng những tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE. Bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ TE, phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực TE và các quyền được tham gia của TE; kỹ năng về tự bảo vệ, phòng, chống bị xâm hại cho TE trong các trường hợp.
Tăng cường huy động mọi nguồn lực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về TE. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ TE tại cơ sở đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, TE các gia đình chính sách, gia đình nghèo và TE có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép với thực hiện các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị, xác định và ưu tiên bố trí các nguồn lực dành cho công tác TE, bảo đảm TE trong toàn tỉnh ngày càng được chăm lo, giáo dục và bảo vệ tốt hơn.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục TE theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị- xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc TE và thực hiện quyền TE ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở. Thông tin, báo cáo cho các sở, ngành và đơn vị quản lý nhà nước có liên quan để giải quyết nhưng khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc TE; xác minh, báo cáo những vấn đề nổi cộm để phối hợp, hỗ trợ giải quyết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại TE; thiết lập, duy trì địa chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin về TE bị xâm hại, TE có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp, can thiệp.
Xuân Bính