Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương, đồng thời sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội. Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau như: Việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động
Đáng chú ý nhất của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ và có lộ trình cụ thể.
Theo đó, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật theo hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, dự thảo Bộ luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án cụ thể được Chính phủ báo cáo Quốc hội vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Nêu quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại phiên họp thẩm tra chính thức dự án Bộ luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải quan tâm đến đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và mức tăng. “Chúng ta cần phát huy thời cơ thời kỳ dân số vàng, đồng thời cũng đang là thời kỳ già hóa dân số. Đối tượng lao động trực tiếp của một số ngành nghề và những ngành nghề đặc thù cần tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về tuổi nghỉ hưu”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ: Cơ quan trình dự án Bộ luật cần báo cáo giải trình rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của đề xuất trong điều kiện của Việt Nam; lý do của việc điều chỉnh khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ chênh nhau 5 tuổi trong Bộ luật hiện hành xuống chỉ còn 2 tuổi là gì?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc… Việc cho nghỉ hưu phải đi liền với bậc lương, để không thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong những ngành nghề này. “Chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, trong khi nhiều người lao động vẫn mong muốn được nghỉ hưu sớm”, ông Hạ nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đặt ra hàng loạt vấn đề yêu cầu cơ quan trình dự án Bộ luật cần tiếp tục phân tích, làm rõ. Theo đó, cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ, trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; đồng thời rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.
Xem xét thấu đáo, thận trọng
Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa là một trong 6 nhóm vấn đề lớn của dự án Bộ luật được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội. Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm).
Đi cùng với đề xuất này, Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh chính sách tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Đó là, chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, với một số ngành, nghề sản xuất, kinh doanh có tính thời vụ theo quy định của Chính phủ; dựa trên nguyên tắc thỏa thuận; số giờ làm thêm một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường; tổng thời gian làm việc trong ngày không quá 12 giờ; trả lương và đãi ngộ hợp lý khi làm thêm giờ; có biện pháp quản lý nhà nước bảo đảm kiểm soát được việc làm thêm giờ ở doanh nghiệp.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhấn mạnh, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.
Theo TTXVN/Báo Tin tức