Trao Giải thưởng Kovalevskaia cho 2 nhà khoa học nữ

Chiều 8-3, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia đã tổ chức trao Giải thưởng năm 2010 tặng 2 nhà khoa học nữ: PGS.TS Lương Chi Mai và TS Nguyễn Thị Lộc.

Từ trái sang phải: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, PGS.TS Lương Chi Mai, TS Nguyễn Thị Lộc và nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Bình.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Bình cùng dự.

PGS.TS Lương Chi Mai hiện là Phó Viện trưởng, Trưởng phòng Nhận dạng và Công nghệ tri thức – Viện Công nghệ thông tin-Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong suốt 29 năm công tác tại Viện, chị đã tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo và giảng dạy tập trung vào 3 lĩnh vực: các cách tiếp cận phân loại dữ liệu không gian và nhận dạng ảnh; nhận dạng ký tự quang học tập trung cho nhận dạng ký tự Việt; nhận dạng tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt.

Từ nghiên cứu lý thuyết cơ bản, các nghiên cứu của chị đã đề xuất được các phương pháp, giải pháp, tạo ra công cụ để phục vụ thử nghiệm trong thực tế, tiêu biểu như Phần mềm nhận dạng chữ Việt in VnDOCR, được nhận Giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 1999. Tính đến nay, PGS.TS Lương Chi Mai đã tham gia nghiên cứu 48 công trình; là đồng tác giả của 4 cuốn sách và tài liệu tham khảo.

TS Nguyễn Thị Lộc - Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, là người đã có nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, quy trình sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu sinh học (M.a và B.b) được công nhận là tiến bộ kỹ thuật ở cấp Bộ; 2 loại thuốc trừ sâu sinh học được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật (Omerta và Biovip) đang được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành phía Nam.

TS Nguyễn Thị Lộc đã nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao nhiều quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, rau màu, cây ăn quả và cây mía, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân; chuyển giao 5 quy trình “trồng rau an toàn” cho 5 loại rau chủ lực ở các vùng rau trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Phát biểu tại lễ trao giải, TS Nguyễn Thị Lộc khẳng định, giải thưởng cao quý này có ý nghĩa hết sức đặc biệt và là nguồn động viên lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam, khuyến khích chị em không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.

Nguồn www.chinhphu.vn