Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Diêm cho biết: Từ những năm 2005, các chủ tàu ở địa phương đã có khuynh hướng liên kết thành các nhóm để hỗ trợ nhau trong việc khai thác hải sản trên biển. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu mang tính tự phát, việc liên kết chưa được chặt chẽ… nên hiệu quả mang lại thấp.
Liên kết, hình thành các Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển phát triển mạnh ở xã Phước Diêm.
Xác định phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân; UBND xã ra quyết định thống nhất thành lập các Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phát huy vai trò của mình, Mặt trận xã đã chủ động phối hợp cùng với hội, đoàn thể; đặc biệt là nâng cao vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở các thôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động sâu rộng đến ngư dân. Kết quả năm 2009, trên địa bàn đã thành lập được 24 tổ, mỗi tổ liên kết từ 3-5 tàu, thực hiện theo nguyên tắc: Cùng ngành nghề, cùng ngư trường, cùng dòng họ hoặc bạn bè thân thích… Qua thực tế hoạt động, nhận thấy hiệu quả đem lại cao và tương đối ổn định so với hình thức đánh bắt đơn lẻ, nên mô hình nhanh chóng được ngư dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn xã phát triển lên thành 64 tổ/316 tàu tham gia, gắn liền với các nghề chủ lực trên địa bàn như: pha xúc, lưới vây, lưới rê, mành chụp.
Các Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, sau khi thành lập đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, thường xuyên hỗ trợ nhau thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm khai thác, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm… Đáng chú ý hơn, vài năm trở lại đây, Chính phủ có cơ chế miễn thuế hải sản, chính sách hỗ trợ ngư dân từ 20-30 triệu đồng/thuyền, nên bà con ngư dân rất phấn khởi, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền, mở rộng ngư trường đánh bắt.
Ngư dân Phước Diêm (Thuận Nam) đóng mới tàu thuyền công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Nỷ
Ông Lê Hùng, ở thôn Lạc Tân 2, Tổ trưởng của một tổ đoàn kết đánh bắt trên biển chia sẻ: Hưởng lợi các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các thành viên trong tổ có thêm điều kiện nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho tàu, có thể vươn khơi đánh bắt dài ngày ở các ngư trường lớn, đảo xa thay vì phải đánh bắt gần bờ như trước đây. Mỗi thành viên đều có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, kịp thời thông tin cho nhau về tình hình tọa độ đánh bắt, cập nhật diễn biến bất thường của thời tiết để có phương án đối phó; từ hỗ trợ lẫn nhau, nên việc đánh bắt diễn ra khá thuận lợi và quan trọng hơn là tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi… Ngoài ra, Mặt trận xã cũng thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Cà Ná, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tổ chức tuyên truyền đến ngư dân về Luật biển, những vấn đề về chủ quyền trên vùng biển, đảo. Tích cực phổ biến các chính sách ưu đãi của Nhà nước để ngư dân nắm bắt thông tin, làm hồ sơ tiếp cận vốn ngân hàng, nâng cao sản lượng đánh bắt. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn có 6 tàu được đóng mới và 1 tàu cải hoán đã hạ thủy theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ đẩy mạnh vận động ngư dân tham gia vào các Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, nên hoạt động khai thác thủy, hải sản ngày càng phát triển. Theo thống kê, trên địa bàn hiện có 486 chiếc tàu, công suất 110.392 CV, trên 80% lực lượng tàu thuyền có công suất lớn; sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 28.000-30.000 tấn hải sản các loại, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 2.500 lao động vùng biển. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, ngư dân khai thác được 13.000 tấn, đạt 44,1% chỉ tiêu, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết thêm: Với kết quả đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận xã tiếp tục tuyên truyền để ngư dân thấy được lợi ích khi tham gia vào Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển; củng cố và nâng cao hoạt động của các tổ đã có sẵn. Hiện nay, Mặt trận đang xây dựng kế hoạch phối hợp cùng với hội, đoàn thể vận động ngư dân tiến tới thành lập “Nghiệp đoàn đánh bắt cá cơm”; đây được xem là cơ sở để địa phương từng bước hình thành các đội tàu đủ mạnh vươn ra khơi xa, kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phấn đấu đưa kinh tế biển thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hồng Lâm