Điều đáng lo ngại là vì mục đích duy trì sự nổi tiếng và những toan tính cá nhân “nhiều ngôi sao mạng xã hội” đang không ngần ngại ra sức cổ xúy người hâm mộ họ hướng vào lối sống phù phiếm và đề cao giá trị vật chất.
Không thể phủ nhận ngày nay sự phát triển của internet, đặc biệt là các mạng xã hội, đã đem tới nhiều công việc hoàn toàn mới. Trong số đó, phải kể đến sự xuất hiện các blogger (người viết nhật ký mạng), vlogger (người làm video mạng), streamer (người phát sóng trực tiếp nội dung, công việc của họ). Và những YouTuber (người làm YouTube), Facebooker (người chơi Facebook) nổi tiếng này đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của thế giới giải trí hiện đại khi họ không cần phải trình diễn trên các sân khấu lớn, tham gia vào một tác phẩm nghệ thuật đình đám, mà chỉ cần… viết nhật ký, đăng ảnh, quay video bằng các công cụ, máy móc đơn giản. Chính vì vậy, không ít ngôi sao nổi tiếng của showbiz Việt thời gian gần đây cũng bắt đầu… “tiến thân” bằng mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn coi công việc livestream, sản xuất video như công việc chính của mình. Thế nhưng, có một thực tế là, đằng sau hào quang của các nhà sản xuất chương trình trên mạng xã hội này, nhiều khuynh hướng, lối sống tiêu cực, phản văn hóa đang tác động, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng mạng, nhất là người trong độ tuổi thanh thiếu niên. Thật vậy, làm đủ mọi chiêu trò để câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem) để tăng độ nổi tiếng và kiếm tiền từ Facebook, YouTube cùng các tập đoàn có nhu cầu quảng cáo sản phẩm gần như là mô hình chung của hầu hết blogger, vlogger hay streamer Việt Nam trên internet, mạng xã hội. Trong đó, nhiều hành vi của nhóm người này thật sự đáng lên án khi họ tận dụng cả nỗi đau, tai nạn, scandal (vụ bê bối) của các nạn nhân để phục vụ nhu cầu “nuôi sống” tài khoản mạng xã hội, cúng “thần Facebook” của mình. Mới đây, khi một nghệ sĩ hài ở phía nam qua đời đột ngột, tại tang lễ nghệ sĩ này đã xuất hiện nhiều người hiếu kỳ vốn không hề quen biết nghệ sĩ, họ đến chỉ nhằm chen lấn, xô đẩy để livestream, quay video người nổi tiếng, từ đó nhiều clip được đăng tải, nhiều bài viết liên quan đủ mọi chủ đề như: căn bệnh rối loạn giấc ngủ, đời sống khó khăn của cố diễn viên tại nước ngoài hay việc lạm dụng thuốc,... đã được công bố. Hoặc nữa, không rõ vì muốn “ăn theo”, không muốn bị cộng đồng mạng cho ra rìa mà sau sự cố phim “nóng” của một hot girl (cô gái nóng bỏng) đình đám trên mạng xã hội, không ít người nổi tiếng khác cũng thi nhau “ra tuyên bố”.
Để trở thành tâm điểm, đứng đầu các trào lưu, sự kiện “hot” (nóng) trong cuộc sống, các “ngôi sao” của thế giới ảo phải liên tục làm mới bản thân bằng đủ những chiêu trò lố bịch. Trong đó, công thức phổ biến nhất vẫn là chưng diện một lối sống xa hoa, giàu sang, tiêu xài phung phí. Họ thu hút người theo dõi bằng những thói ăn chơi ngông cuồng như: đeo trang sức quý đầy người, phá hủy các phương tiện, vật dụng đắt tiền, giao lưu với người nổi tiếng khác, du lịch, dùng bữa tại các địa điểm sang trọng, khoe tài sản khủng... Và tréo ngoe thay, những người này thực hiện một “lối sống phông bạt” chỉ để lòe bịp những ai nhẹ dạ, cả tin, và giúp họ kiếm tiền từ YouTube, Facebook và internet. Sau khi những nhân vật đình đám trên mạng xã hội như Khá Bảnh, Phúc X.O bị lực lượng công an bắt vì vi phạm pháp luật, người hâm mộ mới tá hỏa trước hoàn cảnh gia đình của các đối tượng này, kèm theo đó là vô số chuyện bi hài như: đeo, chế tác vàng giả để phô trương sự giàu có; đốt xe máy đắt tiền để quảng cáo cho một công ty kinh doanh xe đạp điện... Chưa kể, hai người này đều là thành phần bất hảo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trào lưu thứ hai là chia sẻ các nội dung, hình ảnh giật gân, phản cảm về những chủ đề thương tâm, gây bức bối trong xã hội. Đây là chiêu trò được nhiều người bán hàng trực tuyến trên mạng sử dụng, nhằm tăng lượng tương tác với khách hàng tiềm năng. Số khác còn lập riêng các fanpage chuyên rình rập, ngồi lê đôi mách, chụp ảnh, quay phim tại hiện trường vụ án nghiêm trọng. Thậm chí để cộng đồng mạng chú ý tài khoản cá nhân của mình, có người còn dựng chuyện đánh ghen, dựng hiện trường tai nạn giả, ma ám và vô số màn kịch kích động khác. Có kẻ tự tạo ra scandal bằng những màn “vạ miệng”, “vô tình lộ ảnh, clip nóng”. Hoặc để thu hút cộng đồng mạng một số người còn tham gia vào các thử thách kỳ quặc đến kinh dị. Nhiều thử thách không dừng lại ở mức độ vô thưởng vô phạt, mà cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của những đối tượng tham gia như: “thử thách 24 giờ làm chó”, “thử thách đốt nhà ông ngoại”, “đốt bình gas”... Kinh hoàng hơn, những đối tượng này đều thực hiện hành vi trên nhằm tăng lượng người theo dõi fanpage, kênh YouTube, và hoàn toàn không phải là ý nghĩ bột phát, bị sức ép từ đám đông.
“Sống ảo” đã thành cụm từ quen thuộc nhằm phiếm chỉ những blogger, streamer, vlogger tham vọng nổi tiếng theo những phương pháp phản cảm như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên thời gian qua hiện tượng này lại bùng phát với tốc độ chóng mặt. Chính sách hoa hồng từ quảng cáo của YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác là nguyên nhân chủ yếu khiến những người này liên tục phải đăng tải, chia sẻ các nội dung xấu, độc, sai sự thật... Nuôi ảo mộng rằng đây là công việc hái ra tiền, nhiều người bỏ cả công việc làm ăn chân chính chỉ để livestream, quay video, chụp hình và chém gió. Một số người lại ngộ nhận rằng nếu thu hút được sự chú ý của người dùng Facebook thì sẽ thuận lợi cho việc bán hàng. Có điều, họ không lường thấy nguồn thu nhập từ các mạng xã hội và internet tuy hấp dẫn nhưng rất khó để duy trì ổn định, lâu dài. Các nhà sản xuất video, hình ảnh, nội dung trên mạng xã hội sẽ lập tức bị đào thải nếu không dẫn đầu, bắt kịp xu hướng từ người dùng internet. Vì vậy, không ít người lao vào cuộc đua kiếm tiền này một cách điên cuồng, bất chấp cảnh báo của xã hội và cơ quan chức năng. Họ không lường trước công việc này có thể tàn phá sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và người thân, thậm chí phải thường xuyên đối mặt với những cám dỗ có thể hủy hoại danh dự, nghiêm trọng hơn là vướng vào lao lý.
Ở đây cũng phải đề cập vai trò của một số trang mạng, khi các bài viết như “Hé lộ mức thu nhập khủng đáng mơ ước của top 3 streamer nổi nhất Việt Nam”, “Cô gái trẻ Việt Nam kiếm triệu USD trên YouTube”, “Thiệu Nhất Nguyên: Nam sinh lớp 12 ở miệt vườn miền Tây “đổi đời” nhờ có kênh YouTuber 1,6 triệu subscribes”,... đã khiến một số người say mê, song không che giấu được sự thật: các trường hợp này là cá biệt, may mắn. Bởi, hầu hết các nhà sản xuất chương trình trên internet và mạng xã hội chỉ là nạn nhân của chính bản thân mình khi tham gia trào lưu “sống ảo” trên internet. Nguy hiểm hơn, làn sóng blog, vlog, streaming này còn đang đầu độc, khiến bộ phận thanh thiếu niên có cái nhìn lệch lạc về công việc và cuộc sống. Bởi lẽ, nhiều Facebooker, YouTuber, Gamer (thường gọi là game thủ) đã bị rơi vào cảnh nợ nần, phá sản, học hành dở dang vì theo đuổi ước mơ làm giàu từ mạng xã hội và các nền tảng trò chơi điện tử trực tuyến. Sau liên tiếp các scandal vì “vạ miệng” và “tình yêu” dẫn tới việc bị tẩy chay, PewPew - một streamer nổi tiếng, đã đưa ra lời cảnh tỉnh tới nhiều bạn trẻ: “Mình khuyên bạn nào tính bỏ học để làm streamer thì đừng (…). Mỗi ngày stream 10 đến 12 tiếng. Tới lúc ngủ chỉ sợ đột tử. Đây là những ngày tháng cuối cùng mình làm việc như thế này. Tháng sau, việc đầu tiên mình làm là đi khám sức khỏe. Nhức từ cơ bắp cho tới toàn thân. Mình sắp già”!
Trong bối cảnh cơn sốt “sống ảo” đang hoành hành trong giới trẻ, cần khẳng định các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram cùng các phần mềm, ứng dụng livestream là tác nhân chủ yếu, không thể chối bỏ trách nhiệm khi ngấm ngầm cổ xúy các cá nhân, tổ chức chia sẻ, phát tán, nhân rộng video, hình ảnh, bài viết có nội dung vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đồng thời, vai trò của gia đình, người thân, nhà trường trong việc quản lý, định hướng nghề nghiệp, công việc cho trẻ em - đối tượng dễ bị sa vào các trào lưu xấu này, cũng phải được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê, nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng tiêu cực từ các video “thần tượng mạng xã hội” đối với thanh, thiếu niên song việc nhiều trẻ nhỏ tung hô, bắt chước theo thói hư, tật xấu của “ngôi sao thế giới ảo” đã không còn là trường hợp cá biệt, gây lo lắng trong cộng đồng. Chưa kể, đáng quan ngại là tình trạng thay vì khuyên răn, ngăn cấm thì một số gia đình, người thân lại tiếp tay cho con cái họ thực hiện video mang nội dung không phù hợp lứa tuổi. Dẫn đến hậu quả là nhiều “hot teen” như L.K, L.H chỉ chăm chăm gồng mình diễn cảnh yêu đương trong trang phục thiếu vải dù đang ở độ tuổi cắp sách đến trường. Gần đây, sự nổi tiếng của Thiệu Nhất Nguyên, Nguyễn Văn Dũng (Mao Đệ Đệ) cũng khiến người lớn phải lo lắng bởi những hành xử “già trước tuổi” của hai em nhỏ này.
Từ khi ra đời đến nay, mạng xã hội luôn được coi là môi trường lý tưởng để những tài năng chưa gặp thời tìm kiếm cơ hội tỏa sáng. Không ít người trong số họ đã thành công, thành biểu tượng của nghệ thuật, giải trí hiện đại bằng những chương trình, tác phẩm có chất lượng về hình ảnh, âm thanh, nghệ thuật. Dù vậy, môi trường này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, cạm bẫy khi cho phép người dùng phô bày công khai những thói hư, tật xấu, khuyến khích các trào lưu dung tục, phản cảm. Nếu không kịp thời ngăn chặn, những hành vi, cá nhân này sẽ là thứ thuốc độc đe dọa, có nguy cơ làm chệch hướng sự phát triển của thế hệ trẻ.
Theo Báo Nhân Dân