Lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam
Sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam cơ bản gắn với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm nửa cuối thế kỷ XIX. Và sự mở rộng quy mô khai thác thuộc địa và phát triển công nghiệp của thực dân Pháp đã làm cho đội ngũ những người công nhân Việt Nam ngày càng đông đảo và dần hình thành một giai cấp.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, do ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân Việt Nam đã có bước chuyển biến sâu sắc về chất. Giai cấp công nhân đã từng bước giác ngộ về địa vị, vai trò của mình trong xã hội, trong cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Công hội đỏ Bắc Kỳ (28-7-1929) và Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển mới về chất của giai cấp công nhân Việt Nam từ tự phát lên tự giác. Từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng vươn lên và phát triển mọi mặt, từng bước giác ngộ và hiện thực hoá sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Và cũng từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam - thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam - bước lên vũ đài chính trị nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của Cách mạng, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với đội ngũ chiếm khoảng 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, hằng năm, giai cấp công nhân đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động sản xuất kinh doanh…
Công nhân Nhà máy gạch không nung Mỹ Viên (Thuận Nam)
vận hành thiết bị điện tử hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ
Đặc biệt, công nhân Việt Nam đã xây dựng một tổ chức công đoàn có hệ thống từ Trung ương tới cơ sở, với gần 130.000 công đoàn cơ sở và trên 10 triệu đoàn viên (tính đến cuối năm 2017). Công đoàn cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp công nhân viên chức, lao động; cũng như nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cho công nhân viên chức, lao động. Cùng với đó, công đoàn cơ sở chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế cơ quan, doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân viên chức, lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động.
Phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân trong thời kỳ hội nhập
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công-nông. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng ta xác định sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân là: giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, giai cấp công nhân Việt Nam đứng trước những thách thức mới. Cụ thể, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với yêu cầu hội nhập sâu rộng và đổi mới; việc tham gia vào ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do cũng đưa ra đòi hỏi cao đối với đội ngũ lao động. Trong khi đó, đa phần công nhân Việt Nam là lao động giản đơn, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng (trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế); còn thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cũng còn nhiều hạn chế…
Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Theo TTXVN