Nhân lên những tấm lòng nhân đạo và nghĩa cử cao đẹp
Với tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg, lấy ngày 7-4 hằng năm là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”.
Theo Bộ Y tế, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc dù muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (tháng 2-2008).
Tính trong 10 năm (2008-2017), tổng lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc đạt hơn 10 triệu đơn vị. Tổng lượng máu cả nước tiếp nhận năm 2017 là gần 1,5 triệu đơn vị tăng hơn 3 lần so với năm 2008 (500 nghìn đơn vị); tỷ lệ hiến máu tình nguyện cũng tăng từ 71,6% năm 2008 lên 98% năm 2017; tỷ lệ dân số hiến máu tăng từ 0,61% năm 2008 lên gần 1,6% năm 2017. Năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được 1.336.842 đơn vị máu (quy đổi về thể tích 250ml là 1.576.933 đơn vị máu), trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,68% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.
Đến nay, mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã dần hoàn thiện với 100% các tỉnh, thành phố có ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 79% số xã, phường có ban chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện.
Cùng với đó, nhiều chiến dịch và sự kiện cũng phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, như: Chiến dịch vận động hiến máu dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, chương trình Chủ nhật Đỏ, chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và Hành trình Đỏ, Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), Ngày Quốc tế người hiến máu (14-6)…
Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Bên cạnh đó, những bước phát triển nhanh chóng của phong trào hiến máu tình nguyện hằng năm đã góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của ngành truyền máu Việt Nam cũng như nền y học hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác vận động hiến máu tình nguyện cũng gặp những khó khăn, thách thức, như: nhu cầu điều trị máu và các chế phẩm của người bệnh tiếp tục tăng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu chưa liên tục, rộng khắp tới mọi người có tiềm năng hiến máu; lực lượng hiến máu dù mở rộng (nông dân, công nhân, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức nhà nước...) nhưng chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên; ở một số thời điểm, nhất là vào dịp Tết, dịp hè, tại nhiều địa phương, khu vực còn tình trạng thiếu máu...
Thời gian tới, mục tiêu của Ban Chỉ đạo hiến máu quốc gia là cung cấp máu đủ phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân; phấn đấu đến năm 2022 đạt tối thiểu 2% dân số hiến máu. Để thực hiện được mục tiêu trên, Ban chỉ đạo hiến máu quốc gia đã đề ra nhiều nhiệm vụ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích của hiến máu tình nguyện cứu người và an toàn truyền máu nhằm tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu, đảm bảo cung cấp đủ máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân…
Lợi ích của việc hiến máu đối với sức khỏe
Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Nó không chỉ giúp ích cho người được truyền máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.
- Được kiểm tra sức khỏe miễn phí: Trước mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ trải qua một số bước kiểm tra sức khỏe (miễn phí). Bên cạnh đó, sau khi hiến tặng, máu của người hiến sẽ được sàng lọc và kiểm tra. Qua đó, có thể phát hiện sớm về nguy cơ mắc các bệnh.
- Tái tạo các tế bào máu mới: Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ hoạt động để bổ sung lại lượng máu đã mất. Điều này sẽ kích thích quá trình sản sinh các tế bào máu mới và nhờ đó, các tế bào mới sẽ luân phiên giúp duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Đốt cháy calo: Mỗi lần hiến máu cơ thể sẽ tiêu tốn khoảng 650-700 Kcal (tương đương 30 phút chạy bộ). Do đó, hiến máu có thể hỗ trợ cho việc kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, thời gian hiến máu an toàn nhất là khoảng hai hoặc ba tháng 1 lần và không được nhiều hơn. Mức độ thường xuyên này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ hemoglobin và sắt trong máu.
- Giảm chứng rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt: Lợi ích sức khỏe của việc hiến máu bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh hemochromatosis (chứng rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt). Đây là tình trạng sức khỏe phát sinh do cơ thể hấp thụ sắt nhiều quá mức. Bệnh cũng có thể do yếu tố di truyền hoặc do uống quá nhiều rượu, bia, chứng thiếu máu hoặc các chứng rối loạn khác gây ra. Do đó, hiến máu thường xuyên có thể giúp giảm tình trạng tích tụ sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, người hiến tặng cần đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiến máu.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Hiến máu thường xuyên có thể giúp giảm độ đặc và độ dính của máu, do đó cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn trong mạch máu và đến được tim nhanh hơn. Đồng thời, hiến máu có tác dụng tích cực trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gan do tình trạng cơ thể thừa sắt quá mức gây ra.
Một chế độ ăn uống giàu sắt có thể làm tăng nồng độ sắt trong máu. Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể hấp thu một lượng sắt hạn chế, dẫn đến tình trạng sắt thừa sẽ tích tụ lại trong tim, gan và tuyến tụy. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, suy gan, tổn thương tụy và các tình trạng bất thường về tim mạch như nhịp tim không đều. Trong khi đó, hiến máu có tác dụng giúp duy trì mức sắt đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau.
- Giảm nguy cơ ung thư: Hiến máu cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Bằng cách hiến máu, hàm lượng sắt tích tụ trong cơ thể sẽ được duy trì ở mức lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Nguy cơ bị ung thư gan, phổi, dạ dày, ruột già và cổ họng giảm dần khi tần suất hiến máu tăng lên nhờ giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể.
Theo TTXVN