* Trên cánh đồng huyện Ninh Phước nông dân phấn khởi xuống đồng chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân. Toàn huyện đã gieo trồng 5.348 ha lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm”; trong đó, 1.624 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tập trung ở xã Phước Hậu 617 ha, Phước Thái 222 ha, Phước Thuận 340 ha, Phước Hữu 200 ha.
Gia đình chị Lê Thị Thâm ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước)
thu hoạch táo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019. Ảnh: Sơn Ngọc
Toàn huyện đã gieo trồng 872 ha bắp; trong đó 465 ha bắp giống tập trung ở xã Phước Vinh 350 ha, Phước Sơn 115 ha. Các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng giống, công chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các nông hộ với giá 8.500-9.000 đồng/kg. Ngoài ra, nông dân huyện Ninh Phước còn canh tác 715 ha táo và 459 ha nho, hai loài cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Sáng Mùng 4 Tết, các chủ vườn huy động lao động ra quân thu hoạch táo phục vụ thị trường. Chị Lê Thị Thâm, thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu phấn khởi: Sáng nay tôi thu hoạch 2 sào táo vừa chín, với giá táo xanh bán cho vựa thu mua tại vườn 5.500 đồng, ngày đầu xuân thu hoạch được 5 tạ, cho thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng.
* Tại huyện Ninh Sơn, từ Mùng 5 Tết, nông dân đã trở lại với công việc đồng áng và mang theo ước mong vụ mùa đông-xuân bội thu. Tại cánh đồng lúa trọng điểm của huyện ở xã Lương Sơn, không khí lao động thật rộn ràng, bà con theo nước, bón phân, phun thuốc cho cây lúa.
Gia đình anh Katơr Ka Rí, thôn Tầm Ngân 2 (Ninh Sơn) chăm sóc cây bắp lai. Ảnh: Lê Thi
Chị Nguyễn Thị Lã, thôn Tân Lập 1, chia sẻ: Trước tết, gia đình đã kịp xuống giống đồng loạt, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng tốt. Các xã vùng cao Ma Nới, Lâm Sơn, đồng bào Raglai đang tích cực chăm sóc rẫy bắp lai, bắp nếp để cây trồng sinh trưởng tốt. Từ 7 giờ sáng, gia đình anh Katơr Ka Tý, thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn đã có mặt tại ruộng bắp lai rộng 1 ha để bón phân và nhổ cỏ. Anh Tý, cho biết: Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong vận động chuyển đổi các loại cây trồng mới hiệu quả như bắp lai, cây ăn quả mà gia đình có thu nhập ổn định. Hiện nay, sau hơn 1 tháng xuống giống, cây bắp phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh.
* Ghi nhận trên cánh đồng huyện Bác Ái, sáng Mùng 4 tết, với thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đã xuống đồng chăm sóc lúa vụ đông - xuân. Chị Đậu Thị Xuân Hoa, ở thôn Suối Đá, cho biết: Gia đình xuống giống 6 sào lúa trước Tết Nguyên đán, hôm nay ra đồng chăm sóc lúa, bón phân, theo nước, với đà phát triển như hiện nay, dự đoán cuối vụ sẽ thu hoạch được 4,5 tấn. Các hộ trồng khoai mì cũng gấp rút thu hoạch các diện tích còn lại để cung cấp cho nhà máy chế biến. Anh Patau Axá Lê ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại, cho biết: Bà con rất phấn khởi, vì giá khoai mì năm nay khá cao, khoảng 1.000đồng/kg mì tươi và 3.500 đồng/kg mì khô nên hầu hết các hộ trồng đều có lãi.
Bà con Bác Ái ra đồng sản xuất đầu năm. Ảnh: P.Bình
* Tại huyện Thuận Bắc, không khí lao động sản xuất nhộn nhịp trên khắp cánh đồng, nông dân tất bật với công việc chăm sóc lúa, người dặm, người cấy, hòa chung tiếng cười nói rộn rã. Ông Nguyễn Huệ, thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, cho biết: Sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết nắng ấm cả nhà cùng xuống đồng để dặm lúa, chuẩn bị bón phân. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt, bà con rất phấn khởi. Vụ đông - xuân, toàn huyện xuống giống 3.319 ha, trong đó, lúa 2.632ha, cây màu 687 ha, đến nay hầu hết diện tích lúa đều phát triển tốt. Các hộ trồng măng tây xanh, mãng cầu sau đợt thu hoạch phục vụ trong dịp tết, cũng đã ra đồng từ rất sớm, bón thêm phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đảm bảo duy trì năng suất, sản lượng ổn định.
Gia đình ông Trần Bình Trọng (Mỹ Nhơn) đang thu hoạch, chăm sóc măng tây xanh. Ảnh M.Khai
* Cùng chung khí thế ra quân sản xuất của toàn tỉnh, nông dân Tp. Phan Rang-Tháp Chàm khẩn trương xuống đồng chăm bón cây rau màu phục vụ nhu cầu rau xanh sau tết. Các chủ trang trại chăn nuôi tích cực chuẩn bị chuồng trại tái đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thực phẩm. Nông dân trồng hoa lại nhộn nhịp bắt đầu một mùa vụ mới. Vừa chăm sóc lại vườn rau cải xanh, anh Lê Văn Khiết, phường Văn Hải, cho biết: Sau Tết, thông thường nhu cầu rau xanh của người tiêu dùng tăng cao nên bán được giá. Nhờ áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước, nên rau phát triển tốt, giảm được nhiều chi phí.
* Ngày đầu xuân, thời tiết nắng đẹp, trên những cánh đồng xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà (Thuận Nam) không khí lao động sản xuất hết sức nhộn nhịp, bà con náo nức ra đồng trong sự vui tươi, phấn khởi. Vụ đông-xuân năm nay, toàn huyện xuống giống 2.280 ha cây trồng các loại, trong đó, cây lúa 1.790 ha, còn lại là cây màu.
Nông dân huyện Thuận Nam ra đồng chăm sóc lúa vụ đông-xuân. Ảnh: H.Lâm
Mặc dù xuống giống sớm, bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ ở cuối năm 2018, nhưng nhờ được chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, nên hầu hết diện tích lúa trên địa bàn đều sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Ngư Thị Mến, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, vui vẻ: Với 5 sào lúa, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ sáng Mùng 4 Tết, không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều bà con ở đây đều tập trung xuống đồng đầu Xuân để lấy may. Vụ này, nhờ sự tuyên truyền của xã, đồng thời các hộ cũng chủ động trong khâu làm đất và sử dụng giống chất lượng cao nên giảm được đáng kể chi phí sản xuất.
* Sau những ngày nghỉ tết, diêm dân huyện Ninh Hải đã ra quân sản xuất đầu xuân. Trên những cánh đồng muối từng tốp người đang tiến hành gia cố bờ bao, bơm thoát nước, làm mặt ruộng để đưa nước vào ruộng muối... Có mặt tại đồng muối Tri Hải, sáng Mùng 4 Tết, không khí sản xuất đầu xuân nhộn nhịp hẳn. Đang thu hoạch muối, anh Trần Thanh Tâm ở thôn Khánh Tường, cho biết: Nhà tôi có 5 sào muối, cứ 5 ngày lại thu hoạch 1 lần; hiện nay thời tiết đang thuận lợi để vào mùa thu hoạch trong năm mới đạt nhiều thắng lợi. ..Ninh Hải là địa phương có khoảng 652 ha đồng muối dọc các xã, thị trấn ven biển. Trong năm 2018, tổng sản lượng muối thu hoạch đạt 167.200 tấn, đạt 116,11% kế hoạch, tăng 48.000 tấn so với cùng kỳ (trong đó diện tích muối trải bạt 60 ha). Ngoài việc sản xuất muối theo phương pháp truyền thống, từ năm 2012 đến nay, tại huyện Ninh Hải đã hình thành “cánh đồng muối” tại thôn Tri Thuỷ 2, xã Tri Hải sản xuất muối kết tinh trên nền bạt nhựa đem lại hiệu quả thiết thực. Kết quả cho thấy chất lượng muối được nâng cao, năng suất tăng thêm và giá tiêu thụ cao hơn so với sản xuất truyền thống…
* Cùng với nông dân, ngư dân trong tỉnh cũng đã ra khơi đầu xuân mới, với cầu mong thuận buồm, xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản. Tại cảng Cà Ná, xã Phước Diêm, sau Lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày Mùng 3 Tết, nhiều tàu cá của ngư dân nhổ neo tiến ra khơi, mang theo niềm tin năm mới bội thu, tôm cá đầy khoan.
Ngư dân Phạm Văn Sơn chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Ảnh: M. Dung
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng sớm Mùng 5 Tết, tại bờ kè Phước Diêm (Thuận Nam), các tàu thuyền của ngư dân Thuận Nam và Bình Định tranh thủ vào bờ để bán hải sản tươi như mực nhỏ với giá 120-170 ngàn đồng/kg, mực trung 200-260 ngàn đồng/kg, mực lá với giá 300-320 ngàn đồng/kg. Đối với các tàu thuyền làm nghề pha súc đánh bắt cá cơm, ngư dân cũng rất phấn khởi, vui mừng khai thác cá cơm được sản lượng cao, đặc biệt năm nay, cá cơm có từ vùng lộng đến vùng biển xa, trong đó, ngư dân khai thác nhiều chủ yếu ở vùng đảo Phú Quý (Bình Thuận), mỗi thuyền khai thác được 400-500 giỏ. Hộ ông Nguyễn Văn Bông, ở thôn Lạc Tân 2 cho biết, sáng 10-2, nhờ thuyền công suất lớn, khai thác được 500 giỏ cá cơm, mỗi giỏ khoảng 17 kg, với giá bán 270 ngàn đồng, thu hơn 130 triệu đồng... Đây là tín hiệu vui để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, đạt thắng lợi trong năm mới.
Ngư dân Thuận Nam phấn khởi khai thác cá cơm đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Không khí lao động trong ngày đầu xuân mới 2019 tại Cảng cá Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) cũng rất nhộn nhịp. Ngay từ Mùng 3, Mùng 4 Tết, nhiều ngư dân tất bật chuẩn bị ngư cụ và sắm sửa lễ vật cầu ngư, sẵn sàng cho mùa đánh bắt mới với hy vọng sẽ thu về những mẻ lưới đầy cá. Ngư dân Phạm Văn Sơn, vui mừng: Từ Mùng 2 Tết, thuyền đã “mở biển” đầu xuân thu được 8 tạ cá nục bông, cá cờ.., lãi được gần 80 triệu đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau nghi thức cúng “mở cửa biển”, hầu hết các tàu đều đồng loạt ra biển khai thác, đánh bắt.
Nhóm PV