“Thỏi nam châm” thu hút
Điểm lại những dấu ấn của ngành DL đạt được thời gian qua, cho thấy thương hiệu DL Ninh Thuận đang từng bước định vị trên bản đồ DL Việt Nam và thế giới. Nhiều địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận đã lọt vào top “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL Việt Nam. Cá biệt, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn Khu nghỉ dưỡng Amanoi tại khu vực Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; hay cung đường “Bình Tiên-Vĩnh Hy” được cộng đồng “phượt” bình chọn là cung đường đẹp nhất Việt Nam… Năm 2018, ngành DL đón 2,19 triệu lượt khách, tăng 15,2%, vượt 4,28%; thu nhập xã hội từ hoạt động DL đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 18,8%, vượt 5% so kế hoạch đề ra.
Du khách tham quan trải nghiệm tại vườn nho Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).
Càng ấn tượng hơn, trong năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành DL lớn của Việt Nam đều đưa khách hoặc ký kết với các doanh nghiệp DL địa phương để đưa khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận. Các tên tuổi như: VietSun Travel, Đất Việt Tour, Fiditour, Lê Phong Travel, Vietravel, TST, Lửa Việt, FiDi tour, Bến Thành Tourist, Sài Gòn Tourist, VietMark...đều tổ chức các tour, tuyến tham quan, nghỉ dưỡng đưa du khách đến với Ninh Thuận. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, hè… các đơn vị này đã chủ động liên kết với các khu tham quan, nghỉ dưỡng DL của tỉnh trước thời gian từ 1 đến 3 tháng để đặt tour tham quan, nghỉ dưỡng, nên công suất sử dụng phòng tại tỉnh vào các dịp cao điểm luôn trong tình trạng quá tải.
Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, trong năm 2018, đã xuất hiện nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực bất động sản, DL, DL nghỉ dưỡng như: Công ty CP Vinpearl, Công ty CP T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành... đến Ninh Thuận khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực DL. Trong đó phải kể tới Tập đoàn Crystal Bay, hiện tập đoàn này đang đề xuất đầu tư vào Ninh Thuận 4 dự án lớn, với quy mô lên tới 10.000 phòng khách sạn 4-5 sao, trong đó 3 dự án mới đây đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương về phương án quy hoạch kiến trúc, đó là tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh Công viên Bình Sơn; tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.740 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ và dự án Khu du lịch Bãi Cốc trong-Bãi Cốc ngoài khoảng 270 phòng. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay, Chủ tịch Hiệp hội DL Ninh Thuận, cho biết: Ninh Thuận nằm trong vùng tam giác trọng điểm về DL của 3 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của của vùng đất này cũng như các chính sách ưu đãi của tỉnh dành cho nhà đầu tư, nên chúng tôi tiên phong đầu tư vào Ninh Thuận”.
Thác 5 tầng, điểm du lịch mới trong Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải).
Ngoài ra, trong năm 2018, tỉnh đã liên tiếp tổ chức 2 Hội nghị xúc tiến quảng bá DL quy mô lớn ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thông qua công tác xúc tiến đầu tư đã thu hút nhiều dự án DL có quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 61 dự án đầu tư về DL, với tổng diện tích trên 1.986 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực mới để đẩy mạnh phát triển DL, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Cú "huých" mới
Theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020 do Tập đoàn Tư vấn Monitor thiết kế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ninh Thuận được định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, DL nghỉ dưỡng cao cấp…Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó riêng về chính sách DL, Chính phủ đồng ý bổ sung các khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh vào các khu DL quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ cũng giao UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch khu DL quốc gia Ninh Chữ, trong đó xác định Ninh Chữ là trung tâm và bổ sung các khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh là các vệ tinh thuộc Khu DL quốc gia; lập đề án đề nghị bổ sung các Khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đây có thể được xem là “kim chỉ nam” cho tỉnh trong quy hoạch, phát triển và đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư vào lĩnh vực DL tại Ninh Thuận.
Ngọn hải đăng Mũi Dinh (Thuận Nam), điểm du lịch thú vị đối với du khách.
Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Để DL từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cũng đang vận dụng có hiệu quả các nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, trong đó riêng về chính sách DL. Cụ thể là việc tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL; đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển DL; tăng cường xúc tiến quảng bá DL; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển DL; tạo ra nhiều sản phẩm DL mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực DL; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, đặc biệt là việc đăng cai tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, DL; hình thành các sản phẩm DL chủ lực theo nhu cầu, thị hiếu của du khách và có sức cạnh tranh cao; chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục có các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong DL đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực; đẩy mạnh đầu tư tuyến đường ven biển tạo thành chuỗi dịch vụ-thể thao-giải trí cao cấp, hấp dẫn.
“Trong xu hướng cạnh tranh ngày càng cao giữa các điểm đến, yêu cầu ngày càng khắt khe, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, sản phẩm có chất lượng cao, tạo ấn tượng và thu hút đối với du khách thì DL Ninh Thuận cần tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, xúc tiến DL… tất cả đều hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển DL, dịch vụ và sớm đưa DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn trong GRDP của nền kinh tế tỉnh nhà”- ông Châu Thanh Hải cho biết thêm.
Nguyễn Xuân