Hội Nông dân huyện Bác Ái hiện có trên 6.700 hội viên, sinh hoạt ở 9 cơ sở hội, 38 chi hội và 125 tổ hội. Với đặc thù là huyện miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, nên còn hạn chế trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đời sống còn gặp khó khăn. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, Hội chủ động liên kết với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên. Qua đó, nhiều hội viên được học cách nuôi, trồng và chăm sóc cây, con để mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Hội viên nông dân xã Phước Trung phát triển kinh tế
nhờ mô hình nuôi dê sinh sản, mạng lại hiệu quả cao.
Không những vậy, từ phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thông qua nguồn vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, Hội đã chủ động xây dựng các dự án, mô hình kinh tế để các hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong đó, nổi bật mô hình Trồng mỳ cao sản tại xã Phước Đại, Phước Tiến cho năng suất đạt cao; Dự án nuôi dê sinh sản ở xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Tiến… Cùng với đó, hằng năm, Hội Nông dân các cấp còn chủ động nhận nguồn vốn ủy thác của các tổ chức tín dụng giải quyết vốn vay cho nông dân. Trong năm 2018, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 1.344 hộ hội viên vay, với tổng dư nợ trên 43 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 4 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ 210 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội, nhiều hội viên trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đơn cử như hộ ông Pi năng Manh, thôn Đá Bàn, xã Phước Tiến từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội ông đã đầu tư trồng mỳ cao sản, kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản, làm dịch vụ nông nghiệp đã đem lại thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm; hay như hộ anh Katơr Nghéo, thôn Ma Ty, xã Phước Tân nhờ tham gia lớp dạy nghề trồng trọt và chăn nuôi, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào trồng mỳ, bắp lai và chuồng trại phát triển chăn nuôi bò sinh sản, nhờ đó mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Bác Ái, cho biết: Trong thời gian tới, Hội tăng cường công tác tuyên truyền hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; chú trọng các hoạt động tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; đẩy mạnh phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế.
Tiến Mạnh