Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: Phát triển thương hiệu "Biển Việt Nam" không chỉ là phương thức thu hút đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế biển, mà còn là yếu tố đòn bẩy giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài trong thời hội nhập, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Để nước ta "trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển" với 3 tiêu chí: nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, nền khoa học-công nghệ biển hiện đại và phương thức quản lý biển tổng hợp và thống nhất.
Tàu vào chở muối công nghiệp ở Cảng Cà Ná-Ninh Thuận. Ảnh: Nhật Nguyên
Thông qua 2 Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam được tổ chức năm 2009 và 2010 vừa qua, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Quốc gia biển phải có công dân biển, quốc gia biển phải có thương hiệu biển. Theo đó, thương hiệu biển Việt Nam chính là sự hòa quyện giữa con người và các "sản phẩm" biển, như hình ảnh các vùng ven biển, từng hòn đảo, các khu du lịch, sản phẩm ngành hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp...Đặc biệt, hình ảnh các vùng bờ biển nước ta với các cảng nước sâu và khu kinh tế biển là 2 yếu tố gắn kết trong tạo dựng thương hiệu của một vùng bờ biển nhất định, hiện có đến 50% các đô thị ven biển Việt Nam chứa đựng cả 2 yếu tố quan trọng này.
Để xây dựng nên thương hiệu quốc gia "Biển Việt Nam", cần có sự cố gắng vượt bậc của của các địa phương, các doanh nghiệp và toàn hệ thống chính trị-xã hội; cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và sự hỗ trợ của các nước trên thế giới. Hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã và đang xúc tiến xây dựng một "bộ công cụ" nhận dạng Thương hiệu "Biển Việt Nam", bao gồm biểu trưng, giấy chứng nhận xanh, các tiêu chí nhận dạng cho các loại thương hiệu cấp quốc gia kiểu như các "ISO thương hiệu biển./.
Theo TTXVN