Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm bởi mối đe dọa do các cuộc xung đột vũ trang vẫn còn hiện hữu.
Theo nhận định của một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân đẩy Syria lâm vào cuộc chiến là các nước phương Tây tìm mọi cách để hỗ trợ lực lượng đối lập dưới con bài “cách mạng màu” nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp Syria và không công nhận vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, trên thực tế, với sự trợ giúp của Nga, chính quyền của ông Assad đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giành quyền kiểm soát trên nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn.
Vì vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra là vai trò của Tổng thống Assad như thế nào trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này?
Sau một thời gian dài không nhìn nhận vai trò của ông Assad, gần đây phương Tây đã bắt đầu có sự chuyển hướng, cho dù vẫn còn sự dè dặt nhất định. Điều đó sẽ làm cho tiến trình hòa bình ở Syria có những chuyển động tích cực trong thời gian tới.
Một quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ vốn ủng hộ phe đối lập trong cuộc nội chiến tại Syria nổ ra hồi năm 2011 và đang tiếp tục ủng hộ các tay súng nổi dậy kiểm soát khu vực Tây Bắc Syria; thậm chí Tổng thống Tayyip Erdogan hồi năm ngoái còn mô tả ông Assad là một kẻ khủng bố và sẽ không thể tiếp tục các nỗ lực hòa bình với vị Tổng thống được Nga và Iran hậu thuẫn này, thì nay đã có những động thái tích cực đầu tiên. Ngày 16-12, trong một phát biểu tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Qatar, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara và các cường quốc khác trên thế giới sẽ cân nhắc làm việc với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu ông này chiến thắng một cuộc bầu cử dân chủ.
Theo ông Cavusoglu, nếu Tổng thống Assad chiến thắng và "nếu đây là một cuộc bầu cử dân chủ và là một cuộc bầu cử đáng tin cậy thì mọi người cần cân nhắc (làm việc với ông ta)."
Đặc biệt, ngày 17-12, phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông James Jeffrey, đại diện đặc biệt của Mỹ về Syria cho hay Mỹ sẽ không còn tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nữa song tiếp tục cảnh báo rằng Washington sẽ không tài trợ cho hoạt động tái thiết của Damascus trừ khi chính quyền này "thay đổi về cơ bản".
Ông James Jeffrey còn cho hay, Tổng thống Assad cần phải thỏa hiệp khi không giành chiến thắng trong cuộc nội chiến tàn bạo kéo dài 6 năm qua, đồng thời ước tính 100.000 tay súng đối lập có vũ trang vẫn ở lại Syria.
Ông Jeffrey nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn chứng kiến một chính quyền có sự thay đổi về bản chất chứ không phải thay đổi chế độ - chúng tôi không tìm cách loại bỏ ông Assad".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16-12, phát biểu tại một hội nghị quốc tế tại Doha, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan De Mistura cho biết, đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá có thể giành được hòa bình thông qua một hiến pháp toàn diện thời hậu chiến.
Ông De Mistura nói: "Một bên có thể giành được lãnh thổ trong cuộc xung đột nhất là nếu họ nhận được sự hỗ trợ từ các nước bạn bè. Tuy nhiên, vấn đề là liệu họ có thể giành được hòa bình hay không".
Ông nhấn mạnh Syria đang bước vào giai đoạn tái thiết, tái khôi phục và đưa người tị nạn trở về quê hương; khẳng định hòa bình chỉ có thể trọn vẹn thông qua một hiến pháp toàn diện đáng tin cậy. (Ước tính Syria sẽ cần từ 300-400 tỷ USD để tái thiết đất nước bị tàn phá do xung đột).
Trước đó, việc thành lập Ủy ban hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở thành phố Sochi của Nga hồi tháng 1-2018.
Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Diễn biến trên cho thấy vấn đề Syria đang từng bước có chuyển biến tích cực cũng như vai trò của Tổng thống Assad trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Theo TTXVN