Theo đề án “Kiện toàn các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh” của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 65 xã, phường, thị trấn và 402 khu dân cư, theo báo cáo và khảo sát thực tế, có 136 loại mô hình khác nhau trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường,…đang được duy trì hoạt động tại khu dân cư.
Đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị
tọa đàm “Mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh”.
Nhìn chung các mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế tại cơ sở, mô hình nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, một số mô hình tự quản ở khu dân cư còn hình thức, còn có sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và các thành viên giữa các tổ tự quản. Do đó đề án đặt mục tiêu hợp nhất các mô hình tự quản tại thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh nhằm giảm bớt các đầu mối, phát huy tốt tinh thần tự quản của nhân dân. Theo đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất 3 phương án để lựa chọn thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết, nhờ đó đã tạo mối đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau. Nhưng về lâu dài, để mô hình tự quản hoạt động mang tính bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Đề án với 3 phương án hợp nhất các mô hình. Đồng chí ghi nhận các góp ý tại hội nghị và sẽ tiếp tục đánh giá lại các phương án, bổ sung đề xuất đề án cho sâu sát với địa bàn dân cư hơn trước khi trình cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
B.T