Tại buổi đối thoại, theo đánh giá tổng hợp của 3 ngành chức năng, mặc dù còn khó khăn, tuy nhiên năm 2018, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Nhiều vướng mắc, hạn chế từng bước được khắc phục. Việc xây dựng thang bảng lương, trả lương, nâng lương, nâng bậc cho NLĐ được quan tâm thực hiện. Ngoài các chế độ theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn…Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nổi lên cần nhanh chóng khắc phục, đó là, nhiều doanh nghiệp còn cố tình “lách luật” để không đóng, đóng chưa đúng, chưa đủ, nợ BHXH dây dưa kéo dài. Cá biệt có một số doanh nghiệp nhiều năm liền vẫn thu tiền BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ…Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến 3 lĩnh vực nêu trên, trong đó tập trung vào các vấn đề về quy trình, thủ tục đóng BHXH; việc giải quyết chế độ BHXH của NLĐ; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Bảo hiểm xã hội tỉnh đối thoại cùng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty CP May Tân Tiến cho biết: Đơn vị chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, hiện có trên 250 lao động. Công ty đã thành lập tổ chức công đoàn và nỗ lực thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tay nghề của NLĐ còn hạn chế nên nhiều lúc chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng không bảo đảm, ảnh hưởng đến doanh thu. Trong khi đó, việc tăng lương tối thiểu vùng liên tục đã dẫn đến chi phí lương, chi phí BHXH, BHYT, BHTN tăng nên công ty phải bù vào các chi phí này, do đó lợi nhuận hằng năm đạt thấp, khó mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho NLĐ. Ngoài ra, tình hình lao động thường xuyên biến động nên tỷ lệ lao động được đóng BHXH chưa đạt như mong muốn. Doanh nghiệp mong muốn các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tư vấn cho doanh nghiệp những giải pháp để đơn vị thực hiện tốt các chế độ, chính sách cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Xây dựng cho biết: Lương hàng tháng của công nhân tại đơn vị luôn được trả vào từ ngày 5 đến ngày 10 tháng sau, sau khi đơn vị kiểm tra bảng chấm công. Vì vậy, việc đóng BHXH cho NLĐ được thực hiện vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng cơ quan BHXH đã tính nợ BHXH.
Ngoài ra, việc BHXH yêu cầu doanh nghiệp ngay cuối tháng phải báo cáo số lao động nghỉ việc trong tháng tới, nếu không sẽ truy thu BHYT là chưa hợp lý, vì có nhiều lao động nghỉ việc không báo trước cho doanh nghiệp. Những quy định mà cơ quan BHXH đặt ra như trên gây khó cho doanh nghiệp, cần thay đổi để phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục đóng BHXH, giải quyết chế độ cho NLĐ. Đây còn là mong muốn, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp khác. Bà Phạm Thu Thủy, nhân viên Phòng Tổ chức- Hành chính Công ty CP Bia Sài Gòn- Ninh Thuận bày tỏ: Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt thực hiện giao dịch điện tử của ngành BHXH là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập như: việc cập nhập danh sách NLĐ của doanh nghiệp nhiều lúc không kịp thời, đầy đủ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho NLĐ. Yêu cầu BHXH tỉnh sớm chấn chỉnh, hoàn thiện…Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các thắc mắc, kiến nghị của đại biểu được 3 cơ quan chức năng trả lời cụ thể, thấu đáo. Một số kiến nghị vượt quá thẩm quyền được các cơ quan chức năng tổng hợp, báo cáo, kiến nghị cấp trên xem xét, giải quyết.
Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh&Xã hội cho biết: Chúng tôi đánh giá cao sự thẳng thắn, cởi mở của các doanh nghiệp. Thông qua hội nghị đã giúp các ngành, cơ quan chức năng hiểu hơn về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực thi công vụ của mình trong thời gian qua. Các doanh nghiệp và ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa thông tin hai chiều; điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng nắm rõ hơn tình hình của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết, tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp; đồng thời giúp doanh nghiệp ngày càng nắm vững và thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tạo nền tảng vững chắc để ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Uyên Thu