* LHQ: 250.000 người tị nạn Syria có thể hồi hương trong năm 2019
Ngày 12-12, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết 250.000 người tị nạn Syria có thể trở về nhà trong năm tới mặc dù nhiều người vẫn còn gặp vấn đề về thủ tục giấy tờ và tài sản.
Người tị nạn Syria hồi hương từ Liban tại cửa khẩu Zamrani, Syria.
Có khoảng 5,6 triệu người Syria buộc phải đi lánh nạn tại các nước láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Ai Cập và Iraq, trong 7 năm qua. Trong số này cũng bao gồm 1 triệu trẻ em Syria được sinh ra ở nước ngoài. Chính phủ Syria hiện cũng đã công nhận tính hợp pháp của các giấy khai sinh của những đối tượng trẻ em này.
Bên cạnh đó, LHQ cũng đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ nâng số tiền tài trợ lên tới khoảng 5,5 tỷ USD để hỗ trợ các nước láng giềng Syria cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, cung cấp nước sạch, vệ sinh, lương thực, giáo dục cho những người tị nạn Syria đang tá túc ở những nước này.
* Châu Âu tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 12-12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nằm trong Hội đồng Bảo an đã tái khẳng định cam kết ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran tại trụ sở LHQ tại New York.
Nhóm này đã ra thông cáo nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ việc thực thi đầy đủ và có hiệu quả Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và nghị quyết 2231 của LHQ. Thông cáo có đoạn: "(Các nước) xác nhận rằng Iran tiếp tục thực hiện những cam kết liên quan đến hạt nhân. JCPOA đã hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của Iran và đảm bảo nước này không phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là vấn đề then chốt đối với an ninh của châu Âu”. Thông cáo nhấn mạnh, chừng nào Iran vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì EU sẽ vẫn tiếp tục thực thi thoả thuận này.
Thông cáo do các nước thành viên EU trong HĐBA là Anh, Pháp, Hà Lan, Thuỵ Điển và Ba Lan cùng Bỉ, Đức và Italy cùng nhất trí. Bỉ và Đức sẽ trở thành thành viên HĐBA vào năm 2019. Trong khi đó, Italy chia sẻ với Hà Lan vị trí thành viên không thường trực của HĐBA trong nhiệm kỳ kéo dài 2 năm.
* Canada thông báo về tiến trình pháp lý liên quan đến CFO của Huawei
Liên quan đến việc bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei được phép bảo lãnh tại ngoại, Bộ trưởng Tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould ngày 12-12 đã ra thông báo cho biết tiến trình dẫn độ sẽ được thực hiện theo Đạo luật Dẫn độ và những quy định trong Hiến pháp của Canada.
Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Các quan chức của Bộ Tư pháp Canada sẽ có thêm 30 ngày để ra quyết định chính thức về tiến trình dẫn độ. Sau đó, Tòa án tối cao của British Columbia sẽ mở phiên tranh luận về việc dẫn độ. Người bị yêu cầu dẫn độ có thể kháng cáo lên tòa án các cấp cao hơn. Nếu các tòa cấp cao hơn và tòa phúc thẩm thông qua quyết định cho phép dẫn độ, thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ ra quyết định về việc này.
H.L (tổng hợp)