Trước khi đạt chuẩn quốc gia vào năm 2012, hệ thống cơ sở vật chất của Trường THCS dân tộc bán trú Ngô Quyền nằm trên địa bàn xã Phước Tiến còn khá thiếu thốn, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dạy và học của thầy trò nơi đây. Xác định, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, bên cạnh đổi mới phương pháp dạy và học, thì việc nâng cấp, kiên cố hóa cơ sở vật chất trường lớp rất quan trọng. Trong giai đoạn 2010 -2015, huyện Bác Ái đã ưu tiên lựa chọn, bố trí vốn để đầu tư về cơ sở vật, trang thiết bị dạy học cho một số trường, trong số đó có Trường THCS dân tộc bán trú Ngô Quyền. Từ nguồn vốn được bố trí, cùng với công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, đến nay, nhà trường đã được đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, với 35 phòng học, phòng chức năng; hệ thống trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, đáp ứng tốt công tác dạy và học cho hơn 200 HS. Cô giáo Vương Thị Yến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc đầu tư hệ thống phòng học, trang thiết bị cho các trường học rất quan trọng, đặc biệt là đối với khu vực miền núi. Đối với Trường THCS dân tộc bán trú Ngô Quyền, sau khi được đầu tư nâng cấp và đạt chuẩn quốc gia vào năm 2012 đến nay, chất lượng giáo dục của trường đã tăng lên rõ rệt. Trong quá trình giảng dạy, nhờ hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo các em HS được tiếp cận đầy đủ lý thuyết và thực hành nên việc tiếp nhận kiến thức nhanh hơn. Những năm gần đây, chất lượng học sinh tốt nghiệp THCS của trường được đánh giá mức độ khá, số học sinh đoạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện, tỉnh cũng tăng cao.
Giờ học thực hành môn Tin học tại Trường THCS dân tộc bán trú Ngô Quyền.
Xã Phước Bình nằm cách trung tâm huyện Bác Ái gần 50km, là địa phương đặc biệt xa xôi nên việc đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp nơi đây rất được chú trọng, không chỉ giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác mà còn thuận lợi để cho các em HS có điều kiện ăn ở, học tập, gắn bó với trường, lớp. Điển hình như Trường THCS dân tộc bán trú Đinh Bộ Lĩnh, được đầu tư xây dựng với diện tích trên 2.010 m², trường có 12 phòng học, khu vực hiệu bộ và 11 phòng dành cho HS bán trú. Có thể nói, hệ thống cơ sở của trường được hoàn chỉnh đã giúp các em HS học tập rất thoải mái và phấn khởi. Em Katơr Đẳng, HS khối lớp 7, Trường Đinh Bộ Lĩnh cho biết: “Sau hơn hai năm học ở trường, em thấy trường đã có rất nhiều thay đổi, thêm nhiều phòng học được xây mới, đặc biệt là có khu nội trú để giúp chúng em có điều kiện ở lại và học tốt hơn…”.
Qua thống kê của ngành Giáo dục huyện Bác Ái, với gần 40 đơn vị trường học toàn huyện, hiện có khoảng 330 phòng học, trong đó, có 224 phòng học đã được kiên cố hóa, 98 phòng học cấp 4, chỉ còn 8 phòng học tạm, nâng tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa toàn huyện đạt trên 67%. Đặc biệt, hiện nay việc học ở Bác Ái không còn tình trạng học ca ba, học nhờ, học tạm. Hệ thống trường học của Bác Ái đã được đầu tư xây dựng bố trí đến tận thôn, xóm tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường. Do đó, đã hạn chế được tình trạng HS nghỉ học cách nhật và nghỉ học giữa chừng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Được biết, hiện nay toàn huyện Bác Ái đã có 8 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, ngành Giáo dục huyện Bác Ái đề ra mục tiêu xây dựng thêm 9 trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, trong những năm tới, từ các nguồn vốn 30a, chương trình 135…huyện tiếp tục tập trung ưu tiên, bố trí các nguồn vốn để xây mới, nâng cấp một số trường trên địa bàn huyện như: Xây dựng khu hiệu bộ, phòng chức năng, phòng đa năng và nhà công vụ cho các trường ở các xã như: TH Phước Trung B, TH Ma Lâm (xã Phước Tân), Trường THCS Võ Thị Sáu, TH Phước Thành (xã Phước Thành)… việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ với công tác đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa sự nghiệp “trồng người” vùng đồng bào dân tộc Raglai ở Bác Ái ngày một khởi sắc…
Nguyễn Sơn