Hiện nay, nhu cầu tập luyện TDTT của các đối tượng trong xã hội ngày càng lớn, số người tập luyện TDTT thường xuyên không ngừng tăng lên hàng năm, từ 10,7% dân số năm 2001, lên 20% dân số cuối năm 2010; số câu lạc bộ tăng từ 32 lên 86 trong vòng 10 năm qua. Trung bình mỗi năm các đơn vị, địa phương tổ chức trên 150 giải thể thao cấp cơ sở, 52 giải thể thao cấp huyện và 40 giải thể thao cấp tỉnh, ngành.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng TDTT của tỉnh ta thời gian qua cho thấy, phong trào phát triển không ổn định và thiếu bền vững, cả thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao. Kết quả bảng tổng sắp Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI vừa công bố vào cuối tháng 12-2010 cho thấy tỉnh Ninh Thuận chỉ đoạt 2 huy chương (1 Bạc, 1 Đồng), xếp hạng 54/56 tỉnh, thành, ngành tham dự. Trong khí đó các tỉnh lân cận có thành tích khá cao: Bình Thuận 46 huy chương, xếp hạng 20; Khánh Hòa 45 huy chương, xếp hạng 24; Lâm Đồng 13 huy chương, xếp hạng 47.
Thi đấu bóng đá trên sân cỏ nhân tạo vừa được Công ty TNHH Thương mại
và Dịch vụ ăn uống Phương Nam khánh thành đưa vào hoạt động. Ảnh: Phan Bình.
Những hạn chế của thể thao tỉnh ta đó là: cơ sở vật chất, sân bãi, trang-thiết bị TDTT ở các địa phương đơn vị còn rất thiếu thốn, lạc hậu; nhiều khu đất, sân chơi, bãi tập dành cho hoạt động TDTT còn bị lấn chiếm, sử dụng vào việc khác, nên không đáp ứng được nhu cầu tập luyện ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh. Thể thao trường học là nền tảng cho việc phát triển thể thao phong trào và thể thao thành tích cao nhưng ở tỉnh ta chưa được đầu tư đúng mức. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường và các hoạt động thể thao ngoại khóa chưa được coi trọng vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao thể lực cho học sinh. Các cơ sở giáo dục- đào tạo còn thiếu sân bãi, phòng tập, dụng cụ phục vụ cho nhu cầu tập luyện, thi đấu và vui chơi giải trí của học sinh; đội ngũ giáo viên thể dục còn thiếu; chương trình chính khóa cũng như nội dung hoạt động ngoại khóa còn nghèo nàn, chưa hợp lý không hấp dẫn học sinh tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, từ đó làm hạn chế phong trào và không phát huy được tài năng của các em có năng khiếu. Các cấp, các ngành chưa thưc sự quan tâm đến phong trào TDTT vì vậy việc khôi daäy vaø phaùt huy caùc nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển TDTT còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, đưa phong trào TDTT tỉnh nhà "cất cánh" trong thời gian tới rất cần có định hướng cụ thể và đầu tư đúng mức. Trước hết cần tập trung vào nhiệm vụ phát triển phong trào TDTT rộng khắp và bền vững, trong đó lưu ý đến việc đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và phát triển phong trào TDTT trong lực lượng thanh-thiếu niên, học sinh, đây là lực lượng chủ yếu thúc đẩy phong trào phát triển và là nguồn cung cấp tài năng cho thể thao tỉnh nhà. Việc này thực hiện được khi có sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhất là sự phối hợp của ngành Giáo dục-Đào tạo và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ thực tế phong trào, phải xác định được các môn thể thao trọng điểm, các môn mũi nhọn cần đầu tư trong điều kiện của một tỉnh còn khó khăn về kinh tế. Cần lưu ý đầu tư các môn cá nhân và các môn có lợi thế so sánh, từ đó mới có thể hình thành được lực lượng vận động viên ưu tú của tỉnh tham gia các hoạt động thi đấu, giao lưu, hợp tác với các tỉnh thành bạn.
Cần tăng cường nguồn đầu tư ngân sách cho TDTT; dành quỹ đất và có chính sách phát huy nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất TDTT; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn làm công tác TDTT các cấp đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân; ưu tiên đầu tư phát triển TDTT ở những vùng khó khăn; bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.
Phát triển TDTT bền vững cần có sự tham gia của các ngành, các cấp và của toàn xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp căn bản, đồng bộ và phù hợp. Trong đó cần có sự đầu tư tập trung đúng hướng nhằm thúc đẩy phong trào TDTT tỉnh nhà phát triển góp phần đắc lực vào việc xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trần Thế Hải