Qua đó, giúp đảm bảo điều kiện vệ sinh; cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng mỹ quan trường học; thực hiện tốt công tác chăm lo sức khỏe cho HS; đồng thời góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện.
Năm 2015, Trường TH Lâm Sơn A (Ninh Sơn) nhận được hơn 300 triệu đồng tài trợ xây dựng cơ sở vật chất từ Tập đoàn CJ của Hàn Quốc. Khi ấy, mặc dù phòng học, nhà hiệu bộ vẫn còn thiếu nhưng nhà trường vẫn ưu tiên dành 2/3 số tiền đầu tư xây dựng NVS đạt chuẩn trên diện tích gần 50 m2, nằm tách biệt hoàn toàn với khối phòng học. Công trình bao gồm khu vệ sinh nữ, khu vệ sinh nam, khu vệ sinh cho giáo viên nam, khu vệ sinh cho giáo viên nữ. Mỗi khu vệ sinh đều có khu rửa tay với hệ thống nước sạch sinh hoạt. Cô giáo Chu Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường TH Lâm Sơn A cho biết: Hai năm trước, nhà trường hướng dẫn và phân công các lớp dọn dẹp NVS nhưng do các em còn quá nhỏ nên việc thực hiện không hiệu quả. Từ đầu năm học này, nhà trường hợp đồng với nhân viên bảo vệ trường đảm nhận công việc này. Nhờ vậy, các khu vệ sinh luôn sạch sẽ, đảm bảo phục vụ tốt cho khoảng 300 HS và GV toàn trường.
Khu nhà vệ sinh của Trường TH Lâm Sơn A (Ninh Sơn).
Mặc dù đã xây dựng từ lâu vừa nhỏ, thua về quy mô so với Trường TH Lâm Sơn A nhưng nhờ thường xuyên được nâng cấp, cải tạo nên NVS Trường THCS Nguyễn Tiệm, xã Phước Dinh (Thuận Nam) vẫn đảm bảo các điều kiện, đáp ứng tốt nhu cầu của hơn 250 HS và GV toàn trường. NVS được phân tách thành hai khu vệ sinh nam, nữ tách biệt và có khu rửa tay, nước sạch cùng bảng hướng dẫn rửa tay đúng cách bằng xà phòng. Trước giờ vào học và sau giờ ra chơi, có nhân viên làm vệ sinh nên NVS lúc nào cũng sạch sẽ, HS thoải mái khi bước vào.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thiếu công trình NVS hoặc có NVS nhưng đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn cần được xây mới, sửa chữa. Theo báo cáo từ Phòng Tài chính- Kế hoạch Sở GD&ĐT, hiện nay toàn tỉnh có 126 trường học có công trình NVS đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, chiếm 40,9%; 185 trường có NVS hiện đang sử dụng tốt, chiếm 60%; 235 trường có NVS đảm bảo các điều kiện vệ sinh, chiếm 76,3%; 109 trường có NVS đáp ứng nhu cầu (100 HS/hố tiêu), chiếm 35,4%; gần 10% số trường thiếu nước sạch tại khu rửa tay; gần 60% số trường chưa có xà phòng tại khu rửa tay... Điều này, đồng nghĩa với việc còn rất nhiều HS chưa được quan tâm, chăm lo bảo đảm các vấn đề sức khỏe khi đến trường.
Trước thực trạng cấp bách của công trình NVS trong trường học, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin phương án khắc phục. Tháng 7-2018, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế- kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình mới, sửa chữa NVS các trường học. Theo đó, có 66 NVS tại 64 trường mẫu giáo, TH, THCS trên địa bàn 6 huyện được đầu tư hơn 21,5 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa. Trong đó, huyện Thuận Nam được đầu tư xây mới, sửa chữa 10 NVS trường học, với tổng vốn hơn 3,1 tỷ đồng; huyện Ninh Sơn 14 NVS trường học, với tổng vốn hơn 3,1 tỷ đồng; huyện Bác Ái 10 NVS trường học, với tổng vốn hơn 3 tỷ đồng; huyện Ninh Phước 15 NVS trường học, với tổng vốn hơn 5,5 tỷ đồng; huyện Thuận Bắc 5 NVS trường học, với tổng vốn hơn 1 tỷ đồng và huyện Ninh Hải được đầu tư xây mới và sửa chữa 22 NVS tại 20 trường học, với tổng vốn hơn 5,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2018.
Tin rằng với sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, thời gian tới, tình trạng thiếu hoặc không đảm bảo chất lượng phục vụ của các công trình NVS trường học sẽ được khắc phục triệt để. Vấn đề còn lại các đơn vị nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục ý thức để HS biết giữ gìn vệ sinh tại các VNS nhằm đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng đãng. Qua đó, không những đảm bảo tốt sức khỏe các em mà còn thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ngọc Diệp