Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, dự báo ATNĐ mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 20-11, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tại đã có Công văn hỏa tốc số 180/TWPCTT về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các địa phương, bộ, ngành và các cơ quan truyền thông tiếp tục triển khai các Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13-7-2018 về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7-8-2018 về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước và Công điện ngày 18-11-2018 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8 của Thủ tướng Chính phủ.
Lực lượng chuyên ngành Sở Giao thông vận tải khắc phục
tình trạng sạt lở do mưa lũ gây ra trên tuyến đường 701.
Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hiện Ban chỉ huy đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Công văn hỏa tốc số 180/TWPCTT. Theo đó, yêu cầu tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt là đối với khách du lịch trên biển. Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đồng thời chủ động tích nước theo quy định. Lực lượng vũ trang, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Về khắc phục hậu quả cơn bão số 8, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng bão số 8, khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to và dông, gây ngập lụt, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh ở một số khu vực, địa phương trong tỉnh. Hiện nay các ngành chức năng, địa phương và người dân trong tỉnh đang triển khai khắc phục.
Trong các ngày từ 17 đến 18-11, mưa lũ đã gây sạt lở, ngập lụt, chia cắt một số tuyến đường: Đường tỉnh 701, đường tỉnh 709, đường huyện: Văn Lâm-Sơn Hải; đường tỉnh 710; đường tỉnh 709B, các tuyến đường liên xã… Để đảm bảo an toàn giao thông trong mưa lũ, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chốt chặn hướng dẫn, điều tiết giao thông và nghiêm cấm Nhân dân qua lại các khu vực bị chia cắt do nước lũ để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Ngay sau mưa lũ, ngày 19-11, Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo lực lượng chuyên ngành đưa phương tiện máy xúc dọn dẹp đất, đá những nơi tràn xuống đường để người và phương tiện lưu thông dễ dàng; đồng thời bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các vị trí sạt lở, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua đoạn tuyến trên. Đến nay, giao thông trên địa bàn tỉnh thông suốt.
Về sản xuất, sinh hoạt người dân, trong đợt mưa lũ vừa rồi, tổng diện tích hoa màu bị ngập lụt trên 640 ha, chủ yếu ở địa bàn huyện Ninh Phước và Thuận Nam, hiện nay nước đã rút, người dân đang khẩn trương khôi phục lại sản xuất. Hơn 400 hộ dân Ninh Phước, Thuận Nam ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, lũ quét...được di dời trong đợt mưa lũ vừa qua cũng đã trở về nhà ổn định đời sống, sản xuất.
Ông Nguyễn Sỹ Thoại, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, cho biết: thời tiết trong 24 giờ tới trên đất liền có mưa rào vài nơi, trên biển có mưa rào và dông vài nơi; gió đông bắc cấp 4, cấp 5, giật cấp 6, cấp 7 sóng biển cao 1.5-2.5m; biển động nhẹ đến động. Từ sáng sớm ngày 22-11, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu phía Tây ATNĐ mạnh lên thành bão, khu vực biển tỉnh Ninh Thuận có gió bão mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, chính quyền địa phương và Nhân dân cần theo dõi nắm bắt dự báo thông tin thời tiết để chủ động ứng phó.
Xuân Bính