Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời xem xét, quyết định vấn đề nhân sự. Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của đất nước.
Công tác giám sát là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.
* Bầu Chủ tịch nước
Chiều ngày 23-10, trước Quốc hội, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức.
Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2020.
Sau khi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Tiếp đó, Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nói: "Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trước đó, cuối phiên họp chiều 22-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.
HL