Theo bài viết, cách đây chưa đầy 1 tháng, hơn 30 tỷ USD thuộc các dự án trong “Vành đai và Con đường” đã bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, các khoản cho vay cũng như rất nhiều dự án đầu tư khác đều ở trong tình trạng "phải xem xét lại". Tác giả bài viết cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên một phần xuất phát từ sự phản đối của người dân các nước có dự án đi qua. Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã thông báo hủy 2 dự án trị giá hơn 20 tỷ USD (gồm dự án xây dựng đường sắt và đường ống dẫn dầu) thuộc đại dự án “Vành đai và Con đường”. Trong khi đó, Pakistan cũng đã tuyên bố cắt giảm kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá 2 tỷ USD. Quyết định này được đưa ra sau quyết định hồi năm 2017 của Islamabad hủy dự án xây dựng đập thủy điện trị giá 14 tỷ USD với lý do "lo ngại về vấn đề tài chính". Cũng trong tháng 9 vừa qua, Nepal đã thông báo hủy một dự án xây dựng đập thủy điện. Mới đây nhất, Sierra Leone cũng vừa tuyên bố (hồi tuần trước) rằng họ đã dừng dự án xây dựng một sân bay do lo ngại về vấn đề nợ.
Theo nhà kinh tế học Christopher Balding, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc triển khai tại nhiều quốc gia, nơi mà sự lo ngại về vấn đề nợ xuất hiện cùng lúc với những thay đổi về chính trị như ở Pakistan hay Malaysia. Christopher Balding cho rằng phần lớn các quốc gia này đều rất lo ngại về mức độ nợ mà họ vay từ Trung Quốc và một phần cũng thể hiện sự phản đối nhằm vào người Trung Quốc liên quan đến những áp lực mà Bắc Kinh đã tạo ra đối với quốc gia họ.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng không có yếu tố chính trị trong hoạt động đầu tư và cho vay tiền liên quan đến đại dự án "Vành đai và Con đường" của họ bởi đơn giản đó chỉ là việc cấp vốn. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát một cảng biển của Sri Lanka năm 2017 cũng như việc Trung Quốc đầu tư quá lớn vào các dự án dọc theo “Vành đai, Con đường” khiến cho những mối lo ngại về hoạt động đầu tư của Bắc Kinh chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng gia tăng và lan rộng hơn.
HL (tổng hợp)