Kể từ ngày 2- 2- 2018, các trường phải có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm mục đích: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý; hỗ trợ học sinh rèn luyện ý chí, bản lĩnh, niềm tin và kỹ năng sống để có thể đối mặt với các tình huống tiêu cực, xây dựng đời sống tinh thần lạc quan góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện… Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều trở ngại.
Năm học 2017- 2018, Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế Ischool Ninh Thuận (Trường Ischool) thành lập thêm bộ phận tư vấn tâm lý do Thạc sĩ Tâm lý học Huỳnh Thị Kim Oanh đảm nhận thực hiện nhiệm vụ tư vấn các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn giáo dục kỹ năng phản biện, biện pháp ứng xử văn hóa, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác hướng đến môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực, xâm hại; tiến hành hỗ trợ trực tiếp (tư vấn, tham vấn, trị liệu) cho những học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường gặp các vấn đề về hành vi, cảm xúc và sức khỏe tinh thần… Thực tế triển khai, hoạt động này đang mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ của học sinh cũng như cha mẹ các em. Điều đáng ghi nhận, sau khi đi vào hoạt động, nhiều em đã chủ động tìm đến để được tư vấn, tham vấn khi gặp tình huống khó xử. Hầu hết các em sau khi được nghe tư vấn đã cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái và từ bỏ hẳn các ý nghĩ tiêu cực tập trung vào học tập. Trường Ischool hiện là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại tỉnh ta có được chuyên viên tâm lý hoạt động chuyên trách để làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Học sinh Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool tham gia buổi tư vấn tâm lý
tình yêu tuổi học đường.
Đối với các trường phổ thông, nhiều năm nay, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã được chú trọng, quan tâm. Hầu hết các trường đều có tổ tư vấn tâm lý học sinh mà nòng cốt là những giáo viên có bề dày kinh nghiệm, vốn sống và sự am hiểu pháp luật làm công tác kiêm nhiệm. Bên cạnh lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ hoặc tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý vào trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp, một số trường như THPT Tôn Đức Thắng, THPT Tháp Chàm… còn mời những cán bộ có chuyên ngành tâm lý về trường để cùng nói chuyện, trao đổi với học sinh. Tuy nhiên, do không có điều kiện tổ chức thường xuyên, giáo viên kiêm nhiệm lại không có trình độ chuyên sâu và ít được bồi dưỡng kiến thức nên hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn chưa cao.
Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường, vấn đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tư vấn tâm lý cho người kiêm nhiệm là việc làm hết sức cần thiết. Hiện nay, ngoài Trường Ischool, gần 300 trường phổ thông trong toàn tỉnh chưa có trường nào có cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý có chứng chỉ chuyên môn. Đơn giản, nếu mỗi trường cần ít nhất một giáo viên đáp ứng yêu cầu Thông tư số 31/TT-BGDĐT thì có khoảng 300 giáo viên cần được đào tạo bồi dưỡng. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo không đủ kinh phí để phục vụ hoạt động này. Do vậy, Sở đang tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên để có hướng triển khai trong thời gian tới.
Trước mắt, Sở đề nghị các trường tiếp tục duy trì các tổ tư vấn tâm lý học đường hiện nay; đẩy mạnh lồng ghép các nội dụng tư vấn tâm lý học đường vào một số tiết học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cần quan tâm hơn nữa, dành nhiều thời gian trò chuyện với học sinh để nắm bắt tâm tư nguyện vọng giúp các em sớm giải tỏa được vướng mắc, xác định rõ mục tiêu và luôn tập trung phấn đấu học tập để hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Ngọc Diệp