Trong thông điệp nhân Ngày Lương thực thế giới 16-10, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ trên thế giới, cứ chín người lại có một người không có đủ thức ăn. Khoảng 820 triệu người vẫn thường xuyên bị đói, mà phần lớn là phụ nữ. Ngoài ra, khoảng 155 triệu trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ phải chịu nhiều thiệt thòi do thể trạng còi cọc trong suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, đói ăn còn là nguyên nhân chính gây ra 50% trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới.
Trước thực trạng này, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia cam kết vì một thế giới không đói ăn, một thế giới mà ở đó mọi người được quyền tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
Tổng Thư ký hối thúc các quốc gia, các công ty, tổ chức và cá nhân cùng góp sức phát triển các hệ thống thực phẩm bền vững.
Cũng trong ngày 15-10, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) có trụ sở tại Rome (Italy) đã công bố báo cáo Thực trạng Lương thực và nông nghiệp thường niên, phù hợp với chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay đó là "Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Một thế giới Không đói ăn vào năm 2030 là điều có thể".
Ngày 16-10 hằng năm được LHQ chọn là Ngày Lương thực thế giới (WFD) để kỷ niệm ngày thành lập FAO năm 1945 và nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.
Trong báo cáo hằng năm công bố ngày 15-10, FAO khuyến cáo cần phối hợp chặt chẽ chính sách nông nghiệp và chính sách đầu tư nhằm tối đa hóa lợi ích của di dân nông thôn đối với phát triển kinh tế và xã hội. Trong thông điệp cốt lõi, báo cáo "Tình trạng Lương thực và Nông nghiệp" (SOFA) nhấn mạnh di dân không chỉ là sự cần thiết mà phải là một sự lựa chọn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đưa ra các chính sách thích hợp nhằm tối đa hóa mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực của việc di dân.
Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva khẳng định việc chú trọng vào di dân nông thôn có nghĩa không nên coi di dân là một "vấn đề xấu", không mong muốn hay không thể đảo ngược. Ông nhắc lại hơn 1 tỷ người sống ở các nước đang phát triển di cư trong nước và khoảng 80% những người này đến từ các khu vực nông thôn. Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh các khu vực nông thôn chính là một phần của bức tranh lớn về di dân quốc tế.
Theo mức độ phát triển và mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách, trong nhiều trường hợp, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dân cũng như hỗ trợ người di cư vượt qua những khó khăn họ phải đối mặt. Việc tạo điều kiện tối đa cho di dân cũng đồng nghĩa với việc cung cấp các lựa chọn thay thế tốt những người không muốn rời khỏi nơi mình đang sống, thông qua việc thúc đẩy phát triển nông thôn hoặc khu vực gần đó.
Nhà kinh tế cấp cao và là tác giả chính báo cáo SOFA Andrea Cattaneo cho rằng các chính sách phát triển và di cư cần phối hợp chặt chẽ bởi mô hình phát triển của một nước tác động đến vấn đề di cư và ngược lại. Nói cách khác, đây là vấn đề hai chiều.
Tại các nước đang phát triển, các chính sách thích hợp có nghĩa đầu tư thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo việc làm cho các cộng đồng nông thôn. Tuy nhiên, một yếu tố không kém phần quan trọng, đặc biệt là tại những nước có mức độ phát triển trung bình, là đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ giữa các khu vực nông thôn và thành thị.
H.L (tổng hợp)