Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo Phương án quy hoạch tổ hợp điện khí LNG Cà Ná

(NTO) Ngày 12-10, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo Phương án quy hoạch tổ hợp điện khí LNG Cà Ná (Thuận Nam). Tham dự có đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tư vấn và nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn báo cáo tình hình triển khai công tác lập quy hoạch; quy mô công suất và các thông số chính; các phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng trung tâm điện lực và kho cảng LNG Cà Ná tại khu vực cảng nước sâu xã Cà Ná.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Theo đó, Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná được đề xuất quy hoạch với quy mô công suất 4 nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp 6000 MW; kho cảng và tái hoá khí LNG công suất 5 triệu tấn/năm. Sau khi nghe báo cáo của đơn vị tư vấn, đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất các phương án để tối ưu hoá các lợi thế của dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Xã Cà Ná có tiềm năng về năng lượng tái tạo, việc phát triển Tổ hợp điện khí LNG tại đây sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh. Dự án phù hợp với Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế. Đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các phương án quy hoạch tối ưu, khai thác tối đa lợi thế; đảm bảo không gian phát triển, không gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung của khu vực. Vị trí của dự án nên đặt nằm ngoài Khu Công nghiệp Cà Ná để thuận lợi cho triển khai; việc quy hoạch cần tuân thủ các quy chuẩn pháp lý. Đối với lựa chọn đơn vị đầu tư, tỉnh chủ trương ưu tiên những nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực về tài chính và ứng dụng những công nghệ tốt nhất. Tỉnh sẽ kiến nghị với Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; đồng thời, tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc để dự án sớm được triển khai thực hiện.