* Trong nước
- Tháng 10-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề trong đời sống kháng chiến và phẩm chất cán bộ. Trong đó, trong tiểu mục “Bệnh chủ quan”, Người viết: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông... Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi... Có kinh nghiệm mà kém lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ... Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học phải hành”.
- Ngày 6-10-2012: Lễ công bố di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng)
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó là bảo tàng sống động về không gian, thời gian, địa danh, hiện vật gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta.
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1941-1945. Tại đây, Người đã ra nhiều quyết sách quan trọng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thành công.
Từ Pác Bó, ngọn lửa cách mạng đã bùng cháy, lan toả khắp non sông đất nước, làm nên cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam.
* Thế giới
- Ngày 6-10-1927: Ra mắt bộ phim có âm thanh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh
Điện ảnh ra đời từ năm 1895, nhưng mãi 32 năm sau ngày 6-10-1927, môn nghệ thuật thứ 7 mới "cất tiếng nói" đầu tiên, với sự xuất hiện của "The Jazz Singer" - bộ phim đã làm điện ảnh thế giới thay đổi.
Bộ phim được sản xuất với công nghệ âm thanh Vitaphone, dài 89 phút nhưng chỉ có 2 phút nói chuyện được khớp đồng bộ, còn phần lớn thoại được ứng tác trình bày bằng bảng phụ đề, chuẩn trong các phim câm của kỷ nguyên đó. Nhưng chỉ cần như thế, “The Jazz Singer” đã mở ra một chương mới trong lịch sử điện ảnh.
Đến nay, kỹ xảo âm thanh và hình ảnh trong điện ảnh đã đạt được đến trình độ rất cao mà trước đó con người khó có thể hình dung được.
- Ngày 6-10-2004: Hội đồng giải thưởng Nobel thuộc Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển thông báo, giải thưởng Nobel hoá học năm 2004 thuộc về ba nhà khoa học hoá sinh Aaron Ciechanover và Avram Hershko người Israel, Irwin Rose người Mỹ vì công trình nghiên cứu khám phá sự phân huỷ protein trong cơ thể người.
Trong bản tuyên dương thành tựu, Hội đồng giải thưởng Nobel ghi nhận, công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học làm sáng tỏ vai trò của các tế bào trong việc kiểm soát các quá trình hình thành cũng như phân huỷ của protein trong cơ thể người. Việc phân huỷ protein là một phần hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi quá trình phân huỷ protein gặp trục trặc, con người sẽ mắc bệnh. Hiểu biết quá trình phân huỷ protein sẽ giúp điều chế thuốc trị các chứng bệnh trong đó có ung thư cổ tử cung và xơ hoá nang...
Theo TTXVN