Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Những năm gần đây, tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đến trường ngày càng phổ biến không chỉ ở các vùng đô thị, mà cả vùng nông thôn bởi sự tiện lợi, giúp gia đình và các em học sinh tiết kiệm thời gian, sự vất vả khi đến trường. Tuy nhiên, sự gia tăng học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện lại là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Theo quan sát của chúng tôi tại một số điểm cổng trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Ninh Hải, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, sau giờ tan học, có nhiều học sinh đi xe máy điện, đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông; nhiều học sinh đội MBH nhưng không cài quai, không đảm bảo chất lượng. Vào giờ tan học, xuất hiện tình trạng học sinh chở 3, kéo nhau dàn hàng ngang trên đường, phóng nhanh, vượt đèn đỏ... vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Cảnh sát giao thông, Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuyên truyền
trực quan về ATGT cho học sinh phổ thông.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, qua 9 tháng năm 2018, tình hình TNGT cơ bản đã đạt mục tiêu giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Số vụ TNGT liên quan đến trẻ em cũng giảm. Tuy nhiên, số vi phạm hành chính về trật tự ATGT liên quan đến học sinh có chiều hướng gia tăng, chủ yếu vi phạm các lỗi như: Không đội MBH, đội MBH nhưng không cài quai, đi ngược chiều, xe không có gương chiếu hậu, không có biển kiểm soát, chở quá số người quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Trong đó, nguyên nhân chính do trẻ em ở lứa tuổi học sinh chưa nhận thức đầy đủ về ATGT, mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường từ gia đình đến cộng đồng vẫn còn hạn chế.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Nhằm nâng cao nhận thức về việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông cho trẻ em, các cấp, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, vận động thanh- thiếu niên chấp hành pháp luật ATGT thông với nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban An toàn giao thông các cấp phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức chương trình tặng MBH cho học sinh bậc tiểu học trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên và phụ huynh ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; tổ chức các cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về ATGT” cho học sinh các cấp. Ngoài ra, một số trường học có xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn” phát huy vai trò tự quản, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành quy định về ATGT.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Giáo dục về ATGT cho học sinh luôn được ngành Giáo dục quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngoài chú trọng tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt chào cờ, giờ học ngoại khóa, nhà trường quán triệt giáo viên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng phòng tránh TNGT, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn.
Năm 2018, Ủy ban ATGT quốc gia đã chọn là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, TNGT, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, quyết tâm thực hiện được mục tiêu giảm 10% thương vong do TNGT liên quan trẻ em. Ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, thiết thực bảo vệ trẻ em trước nguy cơ TNGT, không chỉ giáo dục cho trẻ về việc chấp hành pháp luật ATGT bằng lý thuyết mà hãy cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng khi tham gia giao thông và quý trọng sự an toàn. Mặt khác, cần tuyên truyền phụ huynh không giao xe gắn máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp danh sách học sinh vi phạm trật tự ATGT; nhắc nhở để các hộ gia đình gần trường không được giữ xe máy phân khối lớn của học sinh gửi. Các trường học tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn trật tự ATGT ở khu vực cổng trường vào đầu giờ học và tan học; biểu dương, khen thưởng kịp thời những học sinh thực hiện tốt quy định về ATGT.
Anh Tuấn