Ngày 30/9, TTXVN dẫn thông tin từ Người phát ngôn Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, số người thiệt mạng do trận động đất kèm theo sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi của nước này đã tăng lên 832 người và con số thương vong có thể còn tăng cao hơn.
Theo nguồn tin trên, cho đến nay, hầu hết số người thiệt mạng đều được ghi nhận tại Palu, hai ngày sau khi những đợt sóng cao 1,5 mét tràn vào thành phố có 350 nghìn dân trên đảo Sulawesi.
Cấp cứu người bị nạn.
Trước đó, Cơ quan quốc gia quản lý thiên tai (BNPB) và Viện Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Indonesia (Lapan) thông báo sẽ sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để nghiên cứu, xác định những ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất, gây sóng thần tại Sulawesi ngày 28/9 vừa qua.
Ngày 30/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm thành phố Palu của đảo Sulawesi, nơi vừa phải chịu thiệt hại nặng nề từ một trận động đất kèm theo sóng thần.
Phát biểu trước các binh sĩ được triển khai tới đảo Sulawesi, Tổng thống Widodo đã kêu gọi các lực lượng có liên quan sẵn sàng làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, nhằm nhanh chóng hoàn tất công tác sơ tán người dân và khắc phục thảm họa.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực hay xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhất trên thế giới. Hồi tháng 8 vừa qua, đảo Lombok đã hứng chịu hàng loạt trận động đất khiến khoảng 500 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.
Cứu trợ khẩn cấp
Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 560 tỷ rupiah (tương đương hơn 43 triệu USD) chi cho công tác cứu trợ sau các trận động đất và sóng thần tấn công tỉnh Trung Sulawesi ngày 28/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết đây là số tiền từ quỹ do Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) quản lý và sẽ được giải ngân ngay lập tức trong ngày 30/9 để BNPB có thể nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu trợ khu vực thảm họa.
Chính phủ Indonesia cam kết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn quỹ trên, theo đó không sử dụng nguồn quỹ này để phục hồi cơ sở hạ tầng mà chỉ dành cho hỗ trợ các nạn nhân, đặc biệt là giúp giảm thiểu số người thiệt mạng, hỗ trợ những người bị thương tại các bệnh viện và các cơ sở y tế dã chiến.
Trong khi đó, Quỹ trợ giúp Nhân đạo Thổ Nhĩ Kỳ (IHH) ngày 29/9 thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã điều một đội cứu trợ khẩn cấp gồm 5 người tới Indonesia hỗ trợ khắc phục hậu quả trận động đất và sóng thần.
Thông báo của IHH nêu rõ đội cứu trợ này sẽ đến hỗ trợ tại những khu vực bị ảnh hưởng của trận thiên tai trên. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Indonesia đồng thời khẳng định sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho nước này.
Vì sao người dân mất cảnh giác?
Cơ quan Địa vật lý của Indonesia (BMKG) đã dỡ bỏ thiết bị cảnh báo sóng thần do thiết bị cảm biến này không phát hiện các đợt sóng lớn.
Đây là một trong những lý do dẫn đến việc người dân mất cảnh giác và dẫn tới hậu quả thảm khốc là sóng thần sau đó tấn công bờ biển phía Đông Bắc đảo Sulawesi, khiến hơn 400 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương và hàng nghìn người mất nhà cửa.
Trong ngày 28/9, BMKG đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần sau 34 phút kể từ khi ban bố cảnh báo đầu tiên. Dư luận Indonesia đã đặt nhiều câu hỏi về việc tại sao cảnh báo được dỡ bỏ quá sớm như vậy.
Trong một tuyên bố, BMKG cho biết đã thực hiện đúng quy trình chuẩn và đã dỡ bỏ cảnh báo dựa trên phân tích số liệu thu được từ thiết bị cảm biến thủy triều gần khu vực bị ảnh hưởng động đất gần nhất. Cụ thể, thiết bị này cách Palu khoảng 200 km.
Người đứng đầu Trung tâm Động đất và sóng thần của BMKG Rahmat Triyono cho biết: "Chúng tôi không có số liệu theo dõi tại Palu. Do đó chúng tôi đã phải sử dụng những dữ liệu chúng tôi có và đưa ra quyết định dựa trên đó".
Theo ông, thiết bị cảm biến chỉ ghi nhận được một đợt sóng "không đáng kể", cao khoảng 6 cm và không dò được những đợt sóng lớn gần Palu. Hiện chưa rõ liệu các đợt sóng thần xuất hiện trước hay sau khi cảnh báo được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, theo ông Triyono, "dựa vào các đoạn ghi hình chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội, chúng tôi ước tính sóng thần xảy ra trước khi cảnh báo chính thức được dỡ bỏ".
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa vật lý của Đại học Oxford Baptiste Gombert cũng cho biết việc trận động đất tại Palu gây ra sóng thần là điều "ngạc nhiên". Theo ông, có thể đã xảy ra một vụ dịch chuyển tầng địa chất dưới đáy biển dẫn đến hiện tượng sóng thần.
Ngoài việc thiết bị cảnh báo sóng thần được dỡ bỏ sớm, việc khu vực bị mất điện và hệ thống liên lạc bị gián đoạn cũng khiến các cảnh báo liên tục được gửi qua tin nhắn không đến được với người dân. Bên cạnh đó, không có còi báo động ở dọc bờ biển này./.
Được tin trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 28/9/2018 tại thành phố Palu, tỉnh Sulawesi, Indonesia, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân IndonesiaBambang Soesatyo.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.
Nguồn www.chinhphu.vn