Trở lại xã Nhị Hà vào dịp đầu năm học mới, chúng tôi cảm nhận rõ không khí học tập sôi nổi, hào hứng của các em HS. Ngày khai giảng, em nào cũng áo quần chỉnh tề đến trường rất sớm. Gặp lại bạn bè, thầy cô giáo sau mấy tháng xa cách, ai cũng hớn hở, xúm xít chuyện trò.
Dạo một vòng thăm Trường TH Nhị Hà, thật sự ngạc nhiên về khuôn viên, cơ sở vật chất tại ngôi trường này. Trong thâm tâm, chúng tôi chưa từng dám nghĩ, ở xã vùng cao này, nơi đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn lại có ngôi trường khang trang, sạch đẹp đến thế. Sân trường rộng hơn 2.000 m2 được tráng xi-măng sạch sẽ, bằng phẳng. Vườn hoa, cây cảnh được trồng ngay hàng, thẳng lối và chăm sóc cẩn thận. Năm học 2017-2018, Trường TH Nhị Hà là đơn vị đầu tiên ở cấp TH trên địa bàn tỉnh có được phòng máy vi tính và đưa bộ môn Tin học vào giảng dạy. 100% HS nhà trường được học chương trình 2 buổi/ngày. Thầy giáo Phạm Đức Thuần, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng: Những năm qua, Trường TH Nhị Hà nhận được nhiều sự ưu ái của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của nhà trường được đầu tư tương đối cơ bản. Điều này, đã giúp Trường TH Nhị Hà luôn ở “top 4” cấp TH của huyện Thuận Nam trong các hoạt động và phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.
Ông La Kim Tuấn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: Hiện nay, đời sống của con em Nhị Hà được các cấp chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể, các mạnh thường quân quan tâm. Việc học của con em địa phương cũng được chú trọng. Vào dịp đầu năm học mới hoặc các dịp lễ, tết, Nhị Hà có hàng trăm em được nhận quà, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Điều này, phần nào giúp các phụ huynh giảm áp lực chuyện học hành của con cái. Các em HS cũng cảm thấy phấn chấn hơn. Nhờ vậy, tình trạng bỏ học giảm nhanh ở các cấp trong những năm qua. Nhị Hà đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở 3 cấp: Mầm non, TH và THCS. Năm học 2018-2019, toàn xã có 722 HS. Trong đó: Mẫu giáo có 117 HS; TH 351 HS; THCS 207 HS và THPT 47 HS. Năm học vừa qua, xã có 16 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Địa phương hiện có 8 chi hội khuyến học ở các cơ quan, đơn vị và 3 thôn.
Đặc biệt, người dân Nhị Hà hiện nay đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của con em mình nên rất chú tâm đầu tư. Nhìn lại khoảng 3 năm trước, HS Nhị Hà, kể cả cấp THPT, THCS hay TH đều phải tự mình đi bộ hoặc đạp xe đến trường thì nay rất nhiều HS đã được bố mẹ thay phiên nhau đưa đón mỗi ngày mặc dù rất bận rộn với công việc đồng áng, nương rẫy. Trước đây, người dân Nhị Hà gần như chung nhau một suy nghĩ: Học rồi cũng chỉ để về làm nương rẫy. Thế nên, nhiều HS chỉ cần biết con chữ, biết làm các phép tính toán cơ bản là gia đình cho nghỉ học ở nhà phụ giúp lao động sản xuất. Nhưng nay, suy nghĩ ấy đã dần được xóa bỏ. Nhiều gia đình, dù khó khăn vẫn quyết tâm vượt qua, tạo mọi điều kiện để cho con được học hành đàng hoàng. Nhờ vậy, nhiều người con của quê hương Nhị Hà đã bước chân vào các giảng đường đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định, trở về dựng xây quê hương. Điển hình như gia đình chị Lê Thị Thìn ở thôn 1, dù gia đình nghèo, chồng mất sớm, một mình tảo tần nuôi 3 con nhưng chị đã nỗ lực nuôi con gái lớn học xong Đại học Luật, cậu con trai thứ hai đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và con út đang là HS lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám. Với chị Thìn học không chỉ để kiếm được việc làm đỡ vất vả hơn làm ruộng, làm rẫy mà học còn là để mở mang tầm nhìn, học để trở thành những con người có tri thức, góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp.
Trên vùng đất này, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần hiếu học đã dần “bén rễ”. Con em chăm chỉ học hành, cha mẹ dốc lòng ủng hộ. Đó có thể xem là sự khởi đầu cho những đổi thay trên quê hương Nhị Hà trong một tương lai không xa. Một Nhị Hà văn minh trong đời sống và phát triển về kinh tế.
Ngọc Diệp