* Trong nước
- Ngày 11-8-1965: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư biểu dương cán bộ và chiến sĩ Hải quân. Trong thư, Người nhận định: “… Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc”.
Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần đến thăm bộ đội Hải quân, dành nhiều thời gian nói chuyện, trong đó nhấn mạnh về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển. Đồng thời, Người căn cặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ chiến sĩ các lực lượng bộ đội Hải quân luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thềm lục địa của Tổ quốc.
- Ngày 11 đến 13-8-2005: Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội có chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ”.
Đại hội thông qua Điều lệ sửa đổi của Hội và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2005-2010 gồm 43 ủy viên. Ông Đinh Thế Huynh được bầu làm Chủ tịch Hội khóa VIII.
Đại hội đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 9 điều. Đây là bước phát triển mới so với quy ước đạo đức nghề nghiệp người làm báo thời gian trước đó.
Vào thời điểm Đại hội VIII, cả nước đã có hơn 13 nghìn nhà báo chuyên nghiệp. Hệ thống báo chí phát triển cả về lượng và chất, đủ loại hình: truyền hình, phát thanh, báo in, báo ảnh và báo điện tử.
* Thế giới
- Ngày 11 và 12-8-1962: Liên Xô phóng thành công liên tiếp tàu vũ trụ Vostok-3 và Vostok-4.
Vostok-3 là tàu vũ trụ có người lái thứ 3 của Liên Xô được phóng lên không gian. Trong chuyến bay này, nhà du hành vũ trụ Andrian Grigoryevich Nikolayev đã ở trên vũ trụ trong thời gian 3 ngày 22 giờ 22 phút, thực hiện được 65 vòng bay quanh Trái Đất. Đến ngày 12-8, Liên Xô lại tiếp tục phóng tàu Vostok-4.
Hai phi thuyền Vostok-3 và Vostok-4 đã lập ra nhiều cột mốc trong lịch sử hàng không vũ trụ: Nhà du hành Nicôlaiép lập kỷ lục mới về thời gian làm việc trên vũ trụ; lần đầu tiên Liên Xô điều hành hai chiếc tàu cùng hoạt động ngoài không gian; lần đầu tiên thực hiện quá trình liên lạc giữa hai phi thuyền trong không gian bằng sóng vô tuyến; lần đầu tiên 1 phi thuyền thực hiện quá trình bắt sóng vô tuyến phát đi từ Trái Đất. Trên Vostok-3, Nikolayev đã xem 1 đoạn phim màu phát đi từ Trái Đất.
- Ngày 11-8-1978: Lần đầu tiên con người dùng khinh khí cầu vượt Đại Tây Dương. Lần đầu tiên trong lịch sử, ba người Mỹ là Ben Abruzzo, Max Anderson và Larry Newman lập kỳ tích dùng khinh khí cầu vượt Đại Tây Dương.
Khởi hành từ New York trên chiếc khinh khí cầu Double Eagle II đến ngày 17-8-1978, ba người đã đáp an toàn xuống gần thành phố Evreux, Normandie , Pháp. Ba người đã vượt qua gần 5.000 km, phần lớn trên mặt biển và 137 giờ bay liên tục.
Chuyến bay hoành tráng này cũng là dấu kết cho cuộc đua thầm lặng dài nhiều thập kỷ, với hàng chục thất bại trước đó.
Khí cầu Double Eagle II có đường kính dài 20 mét và được bơm căng bằng khí Helium, bên ngoài có lớp vải bọc cũng được bơm phồng lên bằng hơi nóng.
- Ngày 11-8-1999: Nhật thực toàn phần cuối cùng trong Thế kỷ XX. Nhật thực bắt đầu lúc 8 giờ 47 phút giờ GMT tại Nova Scotia, bờ biển phía Đông Canada và tiếp diễn ở châu Âu. Vùng Cornwall, Tây Nam nước Anh là địa điểm đầu tiên ở châu Âu được chứng kiến nhật thực vào lúc 10 giờ 11 phút GMT.
Sau đó, bóng đen của Mặt Trăng đã lan sang một phần nước Pháp, Đức, Nam Tư, Rumani, Thổ Nhĩ Kì, Iraq, Iran, Pakistan… và kết thúc tại Vịnh Bengan, Ấn Độ vào 12 giờ 36 phút GMT. Để nghênh đón sự kiện này, Pháp lần đầu tiên đã sử dụng hai vệ tinh Spot 2 và Spot 4 để ghi lại khoảnh khắc châu Âu chìm trong bóng che của Mặt Trăng.
(Theo TTXVN)