Các loại đất còn lại thuộc nhóm đất nông nghiệp cũng đạt chỉ tiêu khá, đơn cử như: Đất rừng phòng hộ quy hoạch đến 2020 được duyệt 115.700 ha, kết quả thực hiện đạt 116.462 ha, cao hơn 762 ha; đất rừng đặc dụng thực hiện đạt 98,85%; đất rừng sản xuất thực hiện đạt 99,25%; đất làm muối thực hiện đạt 97,67%... Nhóm đất nông nghiệp được sử dụng khá triệt để, hợp lý và hiệu quả, cùng với việc chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi... đã tạo điều kiện cho người dân khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai vào phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, đất phi nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị và nông thôn.
Làm tốt công tác quy hoạch góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên. Ảnh: Mai Dũng
Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, khai thác được tiềm năng đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp; các khu đô thị mới được hình thành với điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Một số dự án có quy mô lớn đang được nhà đầu tư triển khai tạo bước đột phá cho phát triển công nghiệp; tiềm năng và lợi thế mới của tỉnh bước đầu được phát huy, nhất là về điện gió, điện mặt trời, công nghiệp chế biến. Mặt khác, việc chuyển dịch đúng hướng cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông-lâm-thủy sản theo định hướng trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh.
Diện mạo xã Phước Hữu (Ninh Phước) ngày càng đổi mới. Ảnh: V.M
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đó là: Việc đăng ký chỉ tiêu sử dụng đất của chính quyền các cấp còn chậm, chưa sát với thực tế. Một số dự án đăng ký nhu cầu sử dụng đất không phù hợp với khả năng và tiến độ thực hiện; một số dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai. Các giải pháp chưa đồng bộ, chưa khoa học dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng về đất đai... Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, công tác xã hội hóa chưa cao, đặc biệt là vốn cho lĩnh vực văn hóa-xã hội, thể dục thể thao nên kết quả đạt thấp. Các nhu cầu sử dụng đất phát sinh kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh đã làm cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý sử dụng đất chưa nắm bắt kịp thời, dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng và tạo ra sự chênh lệch giữa thực tế so với quy hoạch sử dụng đất đã lập.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, theo đồng chí Lê Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đầu tiên cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của mỗi kỳ quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị kết hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các cấp, các ngành cần huy động mọi nguồn lực, vốn đầu tư để thực hiện các công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong kỳ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đề ra .
Mai Dũng