Thị trường dầu thô thế giới hiện giờ phụ thuộc vào thái độ của Trump đối với Iran bởi theo Le Monde, cả Mỹ lẫn Iran đều dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược để đối phó với nhau. Trước mắt, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, có hiệu lực vào tháng 11 tới sau thông báo của Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, sẽ gây ra những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Iran. Đây cũng chính là yếu tố chủ chốt trong chiến lược chống Iran của Mỹ: tìm cách tước nguồn thu chính từ dầu hỏa của quốc gia Hồi giáo. Đồng thời, Nhà Trắng thông báo trừng phạt "không chút nương tay" đối với những nước tiếp tục mua dầu hỏa của Iran.
Nhiều đồng minh Mỹ như Nhật Bản cố gắng thuyết phục Mỹ miễn trừ trừng phạt nhưng bất thành. Phía Iran cũng bắt đầu cho đặt lại tên tầu chở dầu, đổi cờ hiệu với hy vọng có thể qua mắt được Mỹ. Càng gần đến ngày lệnh trừng phạt có hiệu lực, thị trường dầu hỏa càng hoảng loạn. Nhiều nước lo ngại xảy ra tình trạng sụt giảm nguồn cung đột ngột. Hiện nay, Iran cung cấp cho thị trường thế giới mỗi ngày 2,4 triệu thùng. Con số này có thể tụt giảm nhanh chóng từ khoảng 800.000-1,2 triệu thùng.
Theo Le Monde, những lời dọa dẫm này của Mỹ đang đặt ngành xuất khẩu dầu hỏa thế giới trước một thách thức lớn bởi vì không chỉ có Iran, mà toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa trong khu vực, một phần lớn được trung chuyển ngoài khơi bờ biển Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Eo biển địa chiến lược Ormuz sẽ là một vũ khí đáp trả lợi hại của chế độ Teheran. Giáo chủ Ali Khamenei của Iran cảnh báo “nếu xuất khẩu dầu hỏa của Iran bị ngăn cấm, sẽ không một nước nào khác có thể xuất khẩu dầu hỏa”.
Với chiều rộng khoảng 40 km, eo biển Ormuz có một vị thế chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Đó là chưa kể Mỹ duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của hạm đội 5.
Mặc dù một số ít chuyên gia không tin sẽ xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp vì trong quá khứ Teheran từng dọa đóng cửa eo biển và việc thực hiện có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang xung đột nguy hiểm, nhưng lời lẽ cứng rắn của Iran cho thấy rõ quyết tâm đáp trả của Teheran. Mặt khác, chế độ Hồi giáo này còn có nhiều công cụ khác để "phản công" như để quân nổi dậy người Huthi tại Yemen tấn công một tầu chở dầu của Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ ở eo biển Bab Al-Mandab. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Saudi Arabia hoảng sợ, thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu hỏa chờ tình hình yên ắng trở lại, gây ra nhiều hậu quả đáng kể cho thị trường cung ứng dầu hỏa thế giới.
Theo TTXVN