Tuy nhiên, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hàng năm đơn vị chỉ tiến hành 2 đợt thu gom với số lượng khoảng 500kg, số còn lại nông dân trực tiếp thải ra môi trường hoặc xử lý bằng việc đốt bỏ. Rõ ràng, việc người dân chưa xử lý đúng cách trong khâu tiêu hủy vỏ chai, bao bì sau khi sử dụng các loại thuốc là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng của các loại nông sản.
Thanh niên xã Phước Thuận (Ninh Phước) thu gom vỏ chai thuốc BVTV để tiêu hủy.
Mặt khác, theo quy định của ngành Nông nghiệp cứ 3 ha đất lúa hoặc 5 ha đất trồng cây ăn trái sẽ bố trí 1 bể thu gom vỏ thuốc BVTV, kinh phí được phân bổ từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 100 bể chứa bao bì, vỏ chai để xử lý khâu này.
Do đó, ngoài việc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho nông dân trong việc thu gom, tiêu hủy các loại vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng đúng quy định thì các địa phương cũng nên bố trí thêm các bể, hố chứa để nông dân thuận tiện hơn trong việc thu gom và xử lý đúng cách.
N.Sơn