Nâng cao hiệu quả quản lý về y tế lao động tại doanh nghiệp

(NTO) Theo quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ), tuy nhiên, qua báo cáo của ngành chức năng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), toàn tỉnh hiện có trên 2.600 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với khoảng 46.000 lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo, năm 2017, chỉ có 6.480 NLĐ được khám sức khoẻ định kỳ. Kết quả phân loại có 1.703 người đạt sức khỏe loại I; 2.391 người sức khỏe loại II; 1.195 người đạt sức khỏe loại III; 795 sức khỏe loại IV và 396 người sức khỏe loại V. Trong 6 tháng đầu năm, riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với 20 đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 727 lao động. Như vậy, so với tổng số công nhân, lao động hiện nay tại tỉnh ta, số lao động được khám sức khỏe định kỳ còn quá khiêm tốn. Phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ, thậm chí cố tình trốn tránh thực hiện công tác này. Nhiều doanh nghiệp tổ chức khám nhưng không đầy đủ so với lao động tại doanh nghiệp.

 

Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận trong giờ sản xuất.

Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, việc khảo sát, đo đạc, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động cũng chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp thực hiện quan trắc mội trường lao động tại 13 cơ sở, doanh nghiệp với 1.386 mẫu, kết quả có 194 mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép, tập trung ở các yếu tố bụi, nhiệt độ, tiếng ồn, độ rung và hơi độc khí…

Ngoài ra, chỉ có một số ít doanh nghiệp có cán bộ làm công tác y tế có chuyên môn, còn lại là kiêm nhiệm và chưa có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn…

Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, việc áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt lại chưa hợp lý nên không có tác dụng răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thực tế từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp vi phạm nào bị xử phạt hành chính, mà chỉ bị dừng lại ở hình thức nhắc nhở. Chính điều này khiến các doanh nghiệp “nhờn” luật, cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình. Ông Phan Quốc Khánh, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp- Y tế học đường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Theo quy định, các doanh nghiệp phải báo cáo công tác y tế lao động của doanh nghiệp mình cho cơ quan quản lý y tế địa phương là trạm y tế xã, phường (nếu doanh nghiệp thuộc quản lý của cấp xã, phường), hoặc Trung tâm Y tế huyện, thành phố (nếu thuộc quản lý của cấp huyện), hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (nếu thuộc cấp tỉnh quản lý) theo định kỳ hàng quý, năm, tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp thực hiện quy định này. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trên lĩnh vực này lại do ngành LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, ngành Y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý y tế lao động tại các doanh nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế và LĐ-TB&XH trong công tác tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở… nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ đối với công tác này. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn các cấp cần phát huy tốt vai trò, trách nhiện tham gia giám sát, tham mưu với lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc khám chữa bệnh định kỳ, cải thiện môi trường làm việc tại doanh nghiệp, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.