Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7.529 đối tượng NCC với cách mạng. Nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NCC và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian qua, tỉnh thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC. Đồng thời thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Ngoài chính sách chung của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và nhân dân tỉnh nhà đã dành cho các thương binh, bệnh binh thân nhân liệt sỹ và NCC với cách mạng sự chăm sóc về tinh thần, vật chất bằng cả tấm lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc, qua đó góp phần làm cho cuộc sống của họ ngày càng được cải thiện hơn, mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú.
Có thể thấy rõ, các hoạt động chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và NCC với cách mạng đã được sự quan tâm của toàn xã hội. Hầu hết NCC với cách mạng và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm… Nhiều hộ NCC được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh và NCC, tạo điều kiện cho con em NCC có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, những năm qua phong trào vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hưởng ứng. Từ nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vào quỹ mỗi năm trên 2,5 tỷ đồng, đến nay đã xây dựng và sửa chữa 4.489 căn nhà, trị giá 69,21 tỷ đồng cho các gia đình NCC với cách mạng còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó đã trích hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa các công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ xây dựng “Khu tưởng niệm 2.500 liệt sỹ Trung đoàn 27”; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho thân nhân chiến sĩ hải quân có hoàn cảnh khó khăn và đã có nhiều cơ quan đỡ đầu, chăm sóc cha mẹ, vợ liệt sỹ già yếu, neo đơn; con liệt sỹ, thương binh và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Ngoài ra, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được Nhà nước và cả xã hội quan tâm chăm lo chu đáo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thăm, tặng quà cho
gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh Lê Thi
Cùng với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Nhiều phong trào được phát triển từ các khu phố, xã, phường và được nhân rộng trên phạm vi cả huyện, tỉnh, như phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sỹ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sỹ, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…. Đến nay, 65/65 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7), trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động tri ân sâu sắc, nghĩa tình và nhân văn như: Tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, đưa thân nhân viếng nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước; nhiều phong trào toàn dân tri ân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và NCC với cách mạng được tổ chức thường xuyên đã và phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Trong những năm qua, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC với cách mạng đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất để làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương đáng khâm phục bởi họ không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tiêu biểu như thương binh Phạm Minh Khoa ở thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành (Bác Ái) mặc dù mang thương tật 51% nhưng luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Với mô hình trồng cây ăn trái kết hợp nuôi gà, cá, đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Hay như ông Nguyễn Châu Toàn ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là con liệt sỹ nhưng luôn có tinh thần vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng. Ông đã thành lập doanh nghiệp và thu hút 28 lao động tại địa phương, là thương binh và bộ đội xuất ngũ vào làm việc với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Công ty của ông còn thường xuyên giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương….
Với mục tiêu 100% hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn so với mức sống chung của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống. Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt chính sách ưu đãi, cải thiện đời sống và tinh thần cho NCC; xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng và thân nhân NCC phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục; đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực xã hội, cộng đồng cùng với Nhà nước để chăm lo, cải thiện đời sống cho NCC… Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng.
Thế Quang