Theo bài báo, Việt Nam và Mỹ từng là cựu thù giờ đây trở thành đối tác toàn diện. Quan hệ hai nước đã có bước phát triển vượt bậc kể từ khi hai bên tạm gác lại quá khứ đau thương, hướng tới một tương lai mới với tầm nhìn rộng lớn hơn.
Chuyến thăm làm việc của đoàn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới Mỹ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bị lôi kéo vào những tranh chấp thương mại với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Năm ngoái, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục đã giúp khởi động lại cuộc đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam. Nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến thăm lần này sẽ là giúp Mỹ hiểu hơn về quy chế thị trường của Việt Nam, từ đó có thể dỡ bỏ các loại thuế Mỹ đã áp đặt với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá da trơn, tôm…
Mặc dù quan hệ thương mại Việt - Mỹ đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực vào quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, song theo cả Washington và Hà Nội, hai bên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiệp định thương mại song phương (BTA) Việt – Mỹ được ký kết vào năm 2001 là một trong những động lực thúc đẩy Việt Nam cải cách luật pháp, tự do hóa thương mại và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
BTA đã phát đi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư và sản xuất, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất cần lao động chuyên sâu. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Theo các điều khoản gia nhập WTO mà Việt Nam đã ký với Mỹ, trong vòng 12 năm kể từ khi ký kết, Mỹ sẽ chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam trừ trường hợp Washington có kết luận cho rằng Việt Nam đã đạt được các tiêu chí mà họ đưa ra.
Một số chuyên gia chính sách vẫn lạc quan về các bước tiến bộ của Việt Nam hướng tới trở thành nền kinh tế thị trường thực sự.
Mỹ và Việt Nam đều nhận thức rằng toàn cầu hóa phản ánh rõ nét trong các hoạt động đầu tư nước ngoài ở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động nữ. Làn sóng đầu tư nước ngoài đã và đang tiếp tục đổ vào Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có việc giảm tỷ lệ nghèo, tăng mức sống và tăng tuổi thọ cho người dân.
Matthew Busch, chuyên gia nghiên cứu thuộc viện Lowy của Australia cho rằng hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định thị trường, giành được những thành quả kinh tế ấn tượng, trong khi vẫn giữ được sự ổn định của nền kinh tế chính trị.
Thúc đẩy nền kinh tế thị trường
Các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn mong muốn Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của mình, vì Hà Nội hiện đang bị Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá lên tới mức 25% đối với sản phẩm cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam. Các cuộc đàm phán thương mại theo lịch trình rất quan trọng đối với Việt Nam, khi Việt Nam phấn đấu để đạt được con số tăng trưởng GDP 7% trong năm 2018.
Ông John Goyer, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Mỹ, nói: “Chúng tôi rất vui mừng về chuyến thăm làm việc tại Washington của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Hai nước có tiềm năng to lớn trong phát triển quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ đặt ra những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tiếp cận thị trường cùng các rào cản thương mại khác”.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Michael Kelly tại Hà Nội vào tháng trước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tái nhấn mạnh các rào cản cần được tháo gỡ để thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác giữa hai nước. Nhiều đối tác thương mại, bao gồm ASEAN, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội tin rằng Mỹ và Việt Nam đã phát triển được mối quan hệ thương mại và đầu tư tích cực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như lợi ích cho cả hai nước.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Hà Nội, nói: “Tuy nhiên, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn và đang tăng lên với Mỹ. Chuyến thăm lần này của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư, tạo cơ hội tốt để giải quyết các rào cản thị trường và có khả năng đạt được các thỏa thuận thương mại”.
Trong 9 tháng qua, các cuộc đàm phán giữa Hà Nội và Washington đã tập trung vào giải quyết thâm hụt thương mại song phương, đã tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên hơn 54 tỷ USD hiện nay. Chính quyền Trump đã tiếp tục tập trung vào các vấn đề thương mại, và điều này được phản ánh trong quý đầu tiên của năm, khi Mỹ chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm dệt may, giày dép, máy tính, hải sản, nông sản, điện tử và linh kiện.
Ngày 21-5, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhập khẩu thép cán nguội từ Việt Nam tăng từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD mỗi năm, trong khi nhập khẩu thép chống gỉ đã tăng từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD kể từ năm 2015, khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đầu tiên đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đã dùng Việt Nam làm bên thứ ba để lẩn tránh chính sách thuế của Mỹ đối với xuất khẩu thép của Trung Quốc, bao gồm thép chống gỉ (CORE) và thép cán nguội.
Mặc dù chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang có sự thay đổi với vị trí vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam, song thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam vẫn đang là vấn đề được quan tâm. Thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Việt Nam năm 2017 ước tính 38 tỷ USD, được cho là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ tăng cường các hàng rào thuế quan nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như tôm, cá da trơn…
Giáo sư Karl Thayer của Đại học New South Wales, Canberra, thuộc Học viện Quốc phòng Australia đánh giá: “Nếu Việt Nam được công nhận nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế quan của Mỹ thấp hơn hiện nay”.
Ngoài mối quan hệ kinh tế và thương mại, Việt Nam và Mỹ có chung mối lo ngại về chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên biển. Sự hợp tác về mặt quân sự này được phản ánh tốt nhất trong hình ảnh ấn tượng của tàu sân bay USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng vài tháng trước. Có ý kiến cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á cung cấp một đối trọng chiến lược trong tranh chấp ở Biển Đông.
Việc chính quyền của Trump năm ngoái rút Mỹ khỏi TPP đã làm tổn thương Việt Nam, vì TPP được dự đoán sẽ dẫn đến sự gia tăng đầu tư của Mỹ và giúp Việt Nam trở thành một điểm đến cho sản xuất chi phí thấp. Nền kinh tế 200 tỷ USD của Việt Nam, trong đó khoảng 40% đến từ sản xuất, đã tăng trưởng mạnh, phần lớn là nhờ đầu tư nước ngoài vào xuất khẩu các loại hàng hóa, từ giày đến điện thoại thông minh.
Anthony Nelson, Giám đốc Albright Stonebridge Group nói : “Việc Mỹ rút khỏi TPP đã không làm nổi bật mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Cả hai bên đều muốn tìm ra một hướng đi mới, tích cực, để thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Mỹ vấn chưa đưa ra được cách tiếp cận kinh tế mạch lạc cho Việt Nam hay ASEAN, và Việt Nam đã bị cuốn vào những ảnh hưởng phụ của rất nhiều các chính sách tập trung vào Trung Quốc và thâm hụt thương mại ”.
Kinh tế Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Sự chuyển dịch của Hà Nội hướng tới một nền kinh tế thị trường từ năm 1986 đã đem đến sự thịnh vượng cho người dân, đồng thời giúp làm gia tăng tầm lớp trung lưu. Dân số Việt Nam hơn 90 triệu người - với khoảng 50% ở độ tuổi vàng dưới 30, đang là lợi thế không nhỏ cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Internet cũng là nhân tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam. Với băng thông rộng cho phép mọi người tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau cùng sự kết nối quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập hệ thống kinh tế quốc tế, tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN
Theo TTXVN