Trách nhiệm của nhà báo, trước hết là trách nhiệm của những con chữ. Những con chữ của những người làm báo luôn dựa trên nền tảng sự thật, hướng đến cuộc sống “chân – thiện – mỹ” của cộng đồng. Các nhà báo nhận lấy từ xã hội niềm tin về những thông tin đưa ra với tiêu chí tối thượng là trung thực và trách nhiệm. Nếu không quá ngoa ngôn, nhà báo chính là con thuyền chuyển tải thông tin đến với bạn đọc khắp nơi. Tất nhiên, cuộc sống vẫn còn đó những mặt trái, những vụ việc tiêu cực, nên các nhà báo phải là “người tiên phong” đấu tranh vì lẽ phải, vì sự thật và phản biện, với mục tiêu là xây dựng một xã hội công bằng – dân chủ - văn minh.
Thực tế suốt 93 năm qua, những người làm báo cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với vận mệnh của đất nước, dân tộc. Thời chiến, nhà báo là những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng cho các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc để giành lấy độc lập, tự do của Tổ Quốc. Thời bình, bằng ngòi bút sắc bén, các nhà báo góp phần dựng xây một xã hội dân chủ, phồn vinh. Có rất nhiều vấn đề lớn, những sự vụ liên quan đến thân phận con người được báo chí theo sát, phản ánh, để các cơ quan chức năng đưa ra được những quyết sách phù hợp.
Ngày 21- 6, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, là dịp để những người làm báo vững tin hơn với lý tưởng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây cũng là dịp để những người cầm bút thêm một lần nữa suy ngẫm về thiên chức của nghề mà mình đã chọn.
Ngày Nhà báo, nghĩ về nghề. Khó khăn, thách thức, cám dỗ, tất cả đều có thật và luôn tồn tại song hành trong suốt quá trình tác nghiệp của người làm báo. Nhưng phải nhấn mạnh rằng là nhà báo chân chính vẫn giữ vững bản lĩnh “bút sắt, lòng son”. Nhưng khó khăn, thách thức, cám dỗ không thể lay chuyển khát vọng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của người làm báo.
Nhà báo luôn kiên định với trọng trách mà xã hội giao phó cho họ. Vậy nên, những nhà báo chân chính luôn đặt sự thật, niềm tin và trách nhiệm với những con chữ, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Lê Trường