Chúng tôi đến thăm Trung tâm vào những ngày đầu tháng 6. Đang giữa mùa hạn nhưng vườn rau, cây thuốc, bồn hoa nơi đây vẫn xanh mơn mởn. Trong màu xanh ấy, có một phần công lao của những bệnh nhân tâm thần. Thành quả ấy là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ của Trung tâm.
Chăm sóc một bệnh nhân bình thường vốn đã rất vất vả nên chăm sóc một bệnh nhân tâm thần thì khó khăn gấp bội phần. Ngày 24 giờ cho một ca trực, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên phục vụ của Trung tâm phải thường xuyên tiếp xúc với người tâm thần. Ngoài tiếng cười nói, kêu la của bệnh nhân thì họ còn đối mặt với những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu gặp phải bệnh nhân lên cơn. Song điều khiến y, bác sĩ lo lắng nhất là bệnh nhân bị ốm đau hay tự làm hại mình và để lại vết thương. Họ không nhận thức được chính xác vị trí đau. Có khi đau bụng họ lại nói đau đầu, có khi không đau nhưng lại bảo đau. Do vậy, quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân tâm thần, các y, bác sĩ phải tìm hiểu, quan sát nhiều thứ xung quanh hơn là chỉ dựa vào lời nói của bệnh nhân.
Cán bộ y tế Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Đặc biệt, trong điều trị vết thương, các y, bác sĩ phải thường xuyên để mắt, vệ sinh vết thương, tay chân thường xuyên cho bệnh nhân để tránh nhiễm trùng. Bởi bệnh nhân tâm thần thường không chịu băng bó vết thương. Anh Trịnh Quốc Cường, cán bộ y tế làm việc tại Trung tâm, chia sẻ: Ban đầu khi mới nhận việc, anh cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi. Thế nhưng qua ba năm gắn bó với những số phận không may này, được cùng ăn, cùng ở, anh càng cảm thông nhiều hơn cho họ. Có khi nghỉ ca nguyên ngày mà không có việc gì làm anh lại thấy nhớ những bệnh nhân của mình. Không những thế anh thấy thương họ nhiều hơn và nhận ra giá trị sống hiện tại của mình. Anh thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Đó cũng là động lực để anh tiếp tục công việc, giúp đỡ nhiều hơn cho những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
Anh Cường cho biết: Hiện Trung tâm có 138 người tâm thần, trong đó có 19 nữ. Mỗi bệnh nhân là một số phận, hoàn cảnh riêng. Có người 16 năm sinh ra chưa được một ngày làm người bình thường đúng nghĩa. Có người trước một biến cố của cuộc sống lại phải vào đây và cách biệt hoàn toàn với xã hội. Song đáng thương nhất vẫn là những mảnh đời bất hạnh không biết mình là ai, sinh ra ở đâu, ngày tháng năm nào, cha mẹ tên gì... Ngay cái tên của mình họ cũng chẳng nhớ được. Thế nên mới có chuyện không ít bệnh nhân khi vào đây thì được cán bộ Trung tâm làm “khai sinh”, đặt tên tuổi. Hơn một nửa bệnh nhân của Trung tâm rơi vào hoàn cảnh đáng thương khi không có thân nhân. Do đó, tại Trung tâm đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ là bạn, là người thân của họ.
Những bệnh nhân tâm thần ấy, trước khi vào đây, có người may mắn được người thân chăm sóc, có người chỉ sống vật vờ. Không được trò chuyện, thuốc men đầy đủ nên bệnh tình của họ ngày một nặng thêm. Thế nên, mỗi ngày trôi qua, dù công việc có bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn luôn dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm, động viên bệnh nhân của mình. Đó vừa là nghiệp vụ chẩn đoán bệnh để bệnh nhân hợp tác điều trị, vừa là sợi dây gắn kết tình cảm giúp bệnh nhân sống thoải mái, khuây khỏa và dần nối lại những mối dây đứt với xã hội. Dù ngày hay đêm, mỗi khi bệnh nhân cần, họ sẵn lòng thức trắng ân cần, gần gũi trò chuyện với hi vọng lớn nhất là giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Bằng tấm lòng cao cả, sự hy sinh thầm lặng của mình, ba năm qua, dưới sự chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, hơn 20 người bị bệnh tâm thần tỉnh ta được điều trị tại Trung tâm đã được trở lại với cộng đồng. Đó không chỉ là niềm vui riêng của thân nhân bệnh nhân mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao của tập thể cán bộ, nhân viên tại Trung tâm.
Chia tay Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh tôi ra về mang trong mình niềm mong ước của anh điều dưỡng trẻ về một xã hội bao dung, không kỳ thị và biết cảm thông, chia sẻ với những người từng mang trong mình căn bệnh tâm thần. Bởi ngoài thuốc men y tế, môi trường sống có tác động mạnh mẽ tới quá trình tái hòa nhập của họ...
Ngọc Diệp