Các đại biểu tham gia diễn đàn cho biết Đối thoại Shangri-La thường niên năm nay sẽ là một cơ hội để Mattis và các quan chức khu vực khác không chỉ xem xét vấn đề Triều Tiên mà còn thảo luận nhiều vấn đề cấp bách khác, đặc biệt là các động thái gần đây của Trung Quốc nhằm củng cố thêm những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ quá đáng của họ tại Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có bày diễn văn quan trọng tại hội nghị trong ngày 1-6, và có thể sẽ trình bày kế hoạch tăng cường vai trò an ninh của đất nước ông tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã từng bước đẩy mạnh hoạt động hàng hải trên khắp khu vực Ấn Độ Dương nhằm đối trọng với sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Modi được cho là sẽ công khai sự quan tâm của Ấn Độ đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng cầu cảng trong khu vực.
Tim Huxley, giám đốc điều hành mảng châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, người đứng ra tổ chức hội nghị này, nói: “Không ngạc nhiên khi Triều Tiên sẽ nổi lên như một chủ đề quan trọng bậc nhất tại Đối thoại Shangri-La lần này, song nó sẽ không lấn át các vấn đề cũng rất quan trọng khác trong khu vực”. Một trong số các vấn đề mà Huxley đề cập đến chính là thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và vai trò của Mỹ tại châu Á. Ông nói thêm: “Có một dấu hỏi lớn về vai trò của Mỹ với chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' mà họ hiện áp dụng”.
Trong khi đó, theo các quan chức Mỹ, Mattis có thể sẽ chỉ đề cập qua loa về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore dự kiến vào ngày 12-6 tới. Một quan chức Mỹ giấu tên nói: “Mattis có thể sẽ tỏ ra mập mờ khi nói về Triều Tiên; trọng tâm của ông ta sẽ là một chiến lược lớn hơn của Mỹ cùng các vấn đề an ninh khu vực”.
Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu của Washington, cho rằng Mattis cần thể hiện rằng Mỹ có thể xử lý nhiều vấn đề hơn chứ không chỉ riêng Triều Tiên. Mỹ cũng phải cho thấy họ “có khả năng tập trung vào các thách thức khác, bao gồm Biển Đông và mối đe dọa về sự áp bức kinh tế thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng tất cả những cuộc khủng hoảng không mấy cấp thiết, dù Triều Tiên vẫn luôn là một mối quan ngại cấp bách nhất”, ông nói thêm.
Các đồng minh khu vực
Quân đội Mỹ coi nỗ lực đối phó Trung Quốc và Nga là trọng tâm của một chiến lược quốc phòng mới sẽ định hình các ưu tiêu hàng đầu của Lầu Năm Góc trong những năm tới đây. Giới chuyên gia đang mong chờ những diễn giải mà ông Mattis sẽ đưa ra về ý nghĩa chính xác của trọng tâm trên trong các điều kiện thực tiễn của quân đội Mỹ.
Một nghi vấn lớn hơn là cách Washington dàn xếp để vừa tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên vừa kiềm chế cách hành xử của nước này tại Biển Đông và hòn đảo tự trị Đài Loan, những nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Abraham Denmark, cựu trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định: “Đây là một thế cân bằng đối trọng mà mọi chính quyền đều phải xoay sở, song từ trước tới nay chúng ta thực sự chưa từng thấy chính quyền Trump nói về điều đó bao giờ”.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại diễn đàn này sẽ không quá rầm rộ như thường lệ, với đại diện tham dự là Trung Tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, người cũng tham gia sự kiện này tại Bắc Kinh hồi năm ngoái.
Chính quyền Trump đã cam kết áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn so với thời Obama để đối phó Trung Quốc xung quanh các vấn đề như Biển Đông. Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng Mỹ đã để cho Trung Quốc tiếp tục xúc tiến chương trình nghị sự của mình, và rằng các hành động của Lầu Năm Góc chỉ là những phản ứng mang tính biểu tượng trước các động thái của Trung Quốc.
Ngày 27-5, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong một nỗ lực mới nhất nhằm phản đối cái mà Washington gọi là mưu đồ hạn chế tự do hàng hải của Trung Quốc tại vùng biển có tính chiến lược quan trọng này. Động thái trên diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, và chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc rút lại lời mời Trung Quốc tham dự một cuộc tập trận hải quân lớn do Mỹ chủ trì.
Về vấn đề Triều Tiên, Mattis được cho là sẽ gặp gỡ những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị, nơi ông có thể sẽ nhắc lại rằng Mỹ luôn tận tụy với các đồng minh và sẽ đề nghị họ tiếp tục gây áp lực với Bình Nhưỡng. Về phần mình, cả hai quốc gia nói trên đều bày tỏ quan ngại rằng Trump có thể đặt lợi ích an ninh Mỹ lên trên lợi ích an ninh nước họ khi theo đuổi một thỏa thuận với Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới trên chuyến bay hôm 29-5 tới Hawaii, chặng dừng chân trước khi tới Singapore, Mattis cho biết thông điệp của ông sẽ là mối quan hệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế. Ông nói: “Những quy tắc chung này bao gồm sự tôn trọng chủ quyền và độc lập…; một giải pháp hòa bình, không mang tính ép buộc, để xử lý các tranh chấp; thương mại, đầu tư tự do và công bằng mà nhằm mục đích lợi dụng kinh tế các nước nghèo hơn đang nỗ lực phát triển”.
Theo TTXVN