Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.
Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo ATTP, gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; tổ chức tốt việc sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp…
B.H