Theo lãnh đạo xã Nhơn Hải, hiện nay diện tích cây trồng toàn xã khoảng 182 ha, trong đó cây hành tím 80 ha, cây nho đỏ 45 ha và số diện tích còn lại là những cây trồng khác. Xã Nhơn Hải là một trong những địa phương có số lượng giếng khoan và giếng đào rất nhiều để sử dụng nguồn nước tưới cho cây trồng. Chỉ tính riêng tại khu vực hồ Ông Kinh có 525 giếng khoan, với độ sâu từ 20-100 m và 190 giếng đào để phục vụ tưới cho 98 ha cây trồng, chủ yếu là cây hành tím, cây nho đỏ và phục vụ nước uống cho đàn gia súc gần 5.800 con.
Trở lại hồ Ông Kinh vào những ngày khô hạn, chúng tôi cảm nhận thời tiết nơi đây rất nóng bức, dễ xảy ra say nắng và mất nước trong cơ thể. Anh Trần Đồng Hoá, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, chia sẻ với chúng tôi: Những năm qua, tại khu vực hồ Ông Kinh mưa lớn rất ít nên lượng nước tích trong hồ không được nhiều. Năm nay, mới vào tháng 2 mà lòng hồ đã cạn trơ đáy. Hàng trăm ha đất sản xuất nhờ vào nguồn nước tưới của hồ đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Để chủ động ứng phó với khô hạn, nông dân đã nghĩ ra nhiều cách làm mới như xây bể chứa nước, đào ao trải bạt để giữ nước cho sản xuất.
Nông dân sản xuất tại khu vực hồ Ông Kinh, xây dựng bể chứa nước tưới
cho cây hành tím trong mùa khô hạn.
Gần 3 năm về trước, khi mới vào khu vực hồ Ông Kinh để trồng cây hành tím, gia đình anh Võ Đăng Hiền phải hứng chịu cảnh thiếu nước tưới trong mùa hạn. Không chịu khuất phục trước thiên tai, gia đình đã đầu tư trên 20 triệu đồng đào một giếng khoan với độ sâu 40 m và xây một bể chứa 32 m2 cao khoảng 1,4 m để tích 30m3 nước, phục vụ tưới cho 3 sào hành. Giờ cây hành phát triển tốt trong mùa hạn, anh Hiền thổ lộ: Tuy làm nông, có “năm được năm mất”, nhưng gia đình cảm thấy vui vì đất không bị bỏ hoang và được duy trì sản xuất liên tục mấy năm nay. Hiện tại, thời tiết nắng nóng không mưa, nhưng hiện giờ gia đình vẫn đủ nước để sản xuất. Anh Võ Đăng Hiền, cho biết thêm: Chưa có đánh giá cụ thể, nhưng chúng tôi nghĩ một phần nước bơm từ giếng khoan lên mà tưới liền cho cây hành dễ bị nhiễm phèn. Vì vậy, xây dựng bể chứa nước cũng là một cách để lắng lọc cho độ phèn tự bay hơi và sau đó lấy nước tưới cho cây trồng sẽ tốt hơn. Riêng trường hợp anh Mai Quốc Tứ, vào năm 2015, vì không muốn 1,3 ha đất trồng cây nho đỏ và hành tím bị bỏ hoang nên gia đình anh đầu tư đào 2 giếng khoan với độ sâu từ 40-50 m và đào ao rộng 120 m2 sau đó trải bạt chứa nước từ giếng khoan bơm lên. Gặp chúng tôi, anh Tứ chia sẻ: Nhờ đào ao trải bạt trữ nước từ giếng khoan nên 3 năm nay, cứ đều đặn mỗi ngày chạy máy bơm 4 giờ lấy nước tưới nên diện tích đất sản xuất của gia đình vẫn được duy trì ổn định. Theo dự tính, nếu đến tháng 9 năm nay không mưa, gia đình sẽ bỏ đi diện tích trồng hành tím chỉ giữ lại 4,5 sào nho đỏ để đủ nước tưới, góp phần ổn định thu nhập cho gia đình trong mùa khô hạn…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: Hiện nay, đang bước vào mùa khô hạn, cũng chính vì thế mà UBND xã đang khuyến cáo nông dân cần chủ động tích nước và chuyển đổi cây trồng phù hợp với vùng hạn. Cùng với đó, nông dân cùng vận dụng, chia sẻ những cách làm mới, sáng tạo trong việc chủ động giữ nước trong mùa hạn, nhằm giảm mức thiệt hại do hạn hán gây ra trên cây trồng và vật nuôi.
Phan Hiếu