Tiếp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã hào hứng: Những gì các anh thấy về Lương Sơn hôm nay là thành quả ban đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà địa phương cùng Nhân dân nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây.
Toàn xã có 6 thôn: Trà Giang 1, Trà Giang 2, Trà Giang 3, Trà Giang 4, Tân Lập 1, Tân Lập 2; trong đó Trà Giang 2 là thôn đặc biệt khó khăn. Với dân số không nhiều, chỉ có hơn 1.735 hộ/6.957 khẩu, nhưng hầu hết đều sinh sống bằng nghề nông. Điểm thuận lợi của xã là diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn với 3.170,24 ha, bình quân hơn 1,8 ha/hộ, chưa kể đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản. Hệ thống thủy lợi kênh chính Đông và kênh chính Tây chảy qua địa bàn xã cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân. Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn, đó là cơ cấu kinh tế của xã có đến 96% là nông nghiệp, trong khi tình hình giá cả, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, thời tiết bất thường ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, dẫn đến thu nhập của người dân thấp, nên không những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về thu nhập và về hộ nghèo, mà còn khó huy động nguồn lực để góp sức xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh.
Nông dân xã Lương Sơn áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa giúp tiết kiệm chi phí,
nâng cao năng suất. Trong ảnh: Bà con nông dân đang làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ mùa.
Theo đánh giá của địa phương, trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương xây dựng NTM, nhìn chung trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, qua tuyên truyền, đa số người dân đã nhận thức và xác định rõ vai trò “chủ thể” của mình trong việc xây dựng NTM nên tham gia cùng địa phương xây dựng và thực hiện các tiêu chí một cách tích cực. Đơn cử như, đến nay nhân dân đã đóng góp tiền và công (quy thành tiền) trên 603,6 triệu đồng, trong số này, đóng góp tiền và công để đối ứng vốn NTM xây dựng hạ tầng gần 389 triệu đồng, xây dựng 10 tuyến giao thông nông thôn và 3 tuyến giao thông nội đồng dài 3.069 m, 3 tuyến kênh mương nội đồng dài 696 m... Nhờ đó, hiện nay, toàn xã đã có 100% đường trục xã được bê tông, gần 79% đường trục thôn được cứng hóa; 78,9% kênh, mương do xã quản lý được kiên cố hóa; 99,25% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn và trên địa bàn không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát... Đặc biệt, để từng bước tháo gỡ 2 tiêu chí khó nhất là thu nhập và hộ nghèo, Lương Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân bằng việc chú trọng vận động nhân dân tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, phát huy lợi thế vùng để sản xuất chuyên canh, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương để tổ chức sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương. Nhiều nông hộ đã mạnh dạn đầu tư cải tiến máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Có thể kể đến một số mô hình như mô hình nuôi bò; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình nuôi cá trê lai, cá diêu hồng, cá lăng; mô hình “1 cá, 1 lúa”... Mặt khác, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, một số nông hộ còn tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư triển khai mô hình trồng kiệu, trồng ớt và mô hình nuôi bồ câu nhốt bước đầu cho lợi nhuận cao. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã đã phối hợp mở 62 lớp tập huấn kiến thức về các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp cho trên 2.460 người tham gia; mở 14 lớp đào tạo nghề cho 1.481 lao động nông thôn. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư 19 mô hình thí điểm với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã có 99,57% lao động (trong độ tuổi, có khả năng lao động) có việc làm thường xuyên, góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 24,6 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,61% (tính đến cuối năm 2016). Đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Qua đánh giá tiêu chí theo Thông tư 41/2013/BNNPTNT ngày 4-10-2013, tính đến nay xã đạt 12/19 tiêu chí NTM, tuy nhiên nếu đánh giá theo Quyết định 41/2017/QĐ-UBND ngày 31-5-2017 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2017-2020 thì xã có 3 tiêu chí không giữ vững do mức độ của tiêu chí có thay đổi và cao hơn, cụ thể tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo, tiêu chí 15 về y tế nên “rớt” xuống, chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi toàn xã phải nỗ lực và quyết tâm cao mới có thể hoàn thành mục tiêu đạt xã NTM vào năm 2018.
Mục tiêu của xã Lương Sơn từ nay đến cuối năm tập trung duy trì và nâng cao chất lượng 9 tiêu chí đã đạt, đồng thời phải thực hiện đạt được 8 tiêu chí theo chuẩn mới. Bằng quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, tin rằng Lương Sơn sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm nay để hướng đến đạt xã NTM trong năm tới.
Mai Dũng